(HNMO) - Sáng 7-5, nhân kỷ niệm 68 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022), đoàn đại biểu thành phố Hà Nội gồm các thành viên đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Thành đoàn Hà Nội… đã viếng các nghĩa trang liệt sĩ tại Điện Biên (A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao), dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sĩ Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Dân khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh chống áp bức trên thế giới. Trong chiến thắng Điện Biên Phủ, với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nhân dân Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng đã cùng chung tay góp sức, đoàn kết một lòng trong công cuộc chiến đấu, đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Nhiều anh hùng liệt sĩ Hà Nội đã yên nghỉ ở các nghĩa trang liệt sĩ tại Điện Biên".
Chính vì vậy, việc tổ chức các đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đi dâng hương các nghĩa trang liệt sĩ tại Điện Biên và các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia tại một số tỉnh, thành phố khác nằm trong các nội dung hoạt động lớn của Thủ đô hướng tới dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), nhằm tri ân sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và những người có công với đất nước, qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng trong dịp này, đoàn đại biểu Hà Nội công tác tại tỉnh Điện Biên đã cùng ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc qua những ký ức được tái hiện một cách sống động tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên, tượng đài Chiến Thắng, khu đồi A1, hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh, trận địa pháo, sân bay Mường Thanh…
Trước chuyến công tác đến viếng nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Điện Biên, Hà Nội đã tổ chức đoàn đại biểu đi viếng nghĩa trang liệt sĩ tại Hà Giang, Phú Quốc.
Tiếp tục thực hiện các hoạt động hướng tới dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), thời gian tới, cùng với việc đi dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ thành phố, Hà Nội sẽ tiếp tục thành lập các đoàn đại biểu đi thăm một số địa danh di tích lịch sử cách mạng, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sĩ Hà Nội tại Côn Đảo, Quảng Trị, Tây Ninh, Nghệ An…
Cùng với hoạt động dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, tăng cường thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ cũng được thành phố đặc biệt chú trọng.
Năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 4-3-2022 về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trong đó khẳng định nhiệm vụ đẩy mạnh các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, góp phần động viên, chăm lo đời sống các gia đình người có công.
Thành phố sẽ tổ chức thăm, gặp mặt và tặng quà người có công; các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trong và ngoài thành phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh tiêu biểu.
Một mặt vận động các cấp, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội và nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, mặt khác, thành phố cũng sẽ tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương người có công tiêu biểu của thành phố, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công và làm tốt công tác này.
Đặc biệt, công tác rà soát các hộ gia đình người có công được chú trọng, trên cơ sở phân tích hoàn cảnh cụ thể của từng hộ để có giải pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ các hộ gia đình người có công có mức sống ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Cùng với đó, công tác tu bổ, nâng cấp, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ như bia, đài, nhà tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ cũng được đặc biệt quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.