Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất. Đó là vai trò, vị trí vô cùng quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trong 65 năm xây dựng và phát triển - từ khi thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội ngày 6-1-1946 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 12 nhiệm kỳ hoạt động. Trong từng giai đoạn lịch sử, thông qua việc thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, quyền giám sát tối cao được Hiến pháp quy định, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng chung của đất nước, được nhân dân tín nhiệm và đồng tình ủng hộ. Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, Quốc hội ngày càng nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đóng góp vào những thành quả chung của Quốc hội có tâm sức của nhiều thế hệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội. Trong 12 khóa Quốc hội, Hà Nội có 335 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội luôn là một trong những đoàn có số lượng đại biểu đông nhất của cả nước. Nhiều ĐBQH thành phố Hà Nội giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Phạm Hùng; các Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Danh Tuyên, Nguyễn Văn Trân, Lê Xuân Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Vĩ… và nhiều đại biểu công tác tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức của trung ương và địa phương. Đây chính là đặc điểm làm nên đặc thù, truyền thống tốt đẹp và là niềm tự hào của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội qua các nhiệm kỳ. Có ĐBQH đã gắn bó nhiều khóa Quốc hội với thành phố Hà Nội như Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử tại Hà Nội từ khóa I đến khóa III; Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh ứng cử 6 khóa Quốc hội tại Hà Nội từ khóa II đến khóa VII… Các vị ĐBQH Hà Nội ở từng vị trí công tác đã cống hiến tài năng, trí tuệ cho cách mạng, cho sự phát triển của Quốc hội Việt Nam và sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 633/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 9-7-2008 của UBTVQH ban hành hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND thành phố Hà Nội và các địa phương được điều chỉnh địa giới theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội; ngày 20-8-2008, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội và Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tây đã hợp nhất thành Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội với 34 đại biểu. Hợp nhất là sự kết hợp sức mạnh của hai tập thể hoạt động có nền nếp, khoa học và đoàn kết; là sự hội tụ trí tuệ của các ĐBQH đại diện cho hai mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng. Từ đó đến nay, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; tích cực triển khai các kế hoạch hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng: Đóng góp xây dựng các dự án luật tiếp tục được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú. Hoạt động tiếp xúc cử tri được tổ chức theo hướng công khai thời gian, địa điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri có nguyện vọng tham dự, hiệu quả hoạt động này được cử tri ghi nhận. Nhiều buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề gắn với các nội dung được đưa ra xem xét tại các kỳ họp Quốc hội được tổ chức đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin thực tiễn cho đại biểu trước khi tham dự kỳ họp Quốc hội; hoạt động tiếp xúc cử tri nơi cư trú và nơi công tác bước đầu được ĐBQH trong đoàn quan tâm thực hiện. Hoạt động giám sát chuyên đề của đoàn được đẩy mạnh với phương châm trách nhiệm và giám sát đến cùng. Nội dung giám sát được lựa chọn trên cơ sở những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những kiến nghị chính đáng của cử tri, những công trình, dự án trọng điểm của thành phố cũng như của trung ương trên địa bàn… ĐBQH thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, xử lý, đôn đốc các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tiếp công dân, ĐBQH trong đoàn đã thực hiện tốt chức trách của mình, tích cực giải thích, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn công dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, góp phần làm giảm bớt những "điểm nóng" về khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố. Khi tham gia các hoạt động tại kỳ họp Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội thể hiện nổi bật sắc thái là người đại diện cho cử tri Thủ đô và cả nước. Ở tất cả các nội dung được Quốc hội bàn, thảo luận và quyết định tại kỳ họp đều có ĐBQH trong đoàn tham gia phát biểu. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố đã được tổng hợp, phản ánh kịp thời tại kỳ họp Quốc hội.
Tại địa phương, đoàn cũng tích cực tham gia vào những hoạt động chung của thành phố, hằng năm tham gia ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND - UBND - UB MTTQ và Đoàn ĐBQH thành phố. Chương trình phối hợp công tác đã giúp cho các cơ quan thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời cùng phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của thành phố… Có thể nói, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khóa XII đã góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Kế thừa, phát huy truyền thống của các thế hệ ĐBQH Hà Nội và Đoàn ĐBQH các nhiệm kỳ trước, với những kinh nghiệm của mình, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội và các vị ĐBQH trong đoàn sẽ cố gắng hết mình để góp phần vào thành công chung của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.