Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồ uống vỉa hè: Giật mình “công nghệ” chế biến

Văn Định| 15/06/2011 06:15

(HNM) - Do nhu cầu sử dụng nước giải khát đường phố của người dân TP Hồ Chí Minh khá lớn, nhiều điểm bán nước di động ở vỉa hè, lòng đường mọc lên như nấm. Nhưng điều đáng nói, những loại nước giải khát này phần lớn đều không rõ nguồn gốc, chế biến không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Nước giải khát pha chế không rõ nguồn gốc sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng.


Chế biến kiểu… "kinh dị"
Dọc theo vỉa hè các tuyến đường Hoàng Văn Thụ (đoạn Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình), Hoàng Minh Giám (đoạn Công viên Gia Định, Gò Vấp), Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn Công viên Tao Đàn, quận 3)… luôn có một đội quân bán nước di động đông đảo, sẵn sàng đáp ứng cơn khát của các "thượng đế". Chỉ cần tấp xe vào lề, người đi đường có thể mua ngay một thức uống tùy ý để hạ nhiệt. Nước uống ở đây cũng đa dạng, nhiều chủng loại, từ xirô, chanh dây, nước dừa đến sữa đậu nành, sâm lạnh… với giá khá bình dân, từ 3.000 đến 5.000 đồng/ly, thu hút được một lượng lớn khách đi đường và cả người dân xung quanh.

Có mặt tại điểm bán nước di động ở khu vực Công viên Tao Đàn, chúng tôi không khỏi giật mình bởi "công nghệ" chế biến ở đây. Các loại nước giải khát, phần lớn được thực hiện theo một công thức rất đơn giản, đó là phẩm màu kết hợp với hương liệu, sau đó cho thêm một lượng đường hóa học vừa đủ, thế là xong!

Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những loại hương liệu dùng để pha chế ra các loại nước giải khát này, chủ yếu được mua từ chợ hóa chất Kim Biên (quận 5). Ở đây cung cấp đủ các loại bột hương liệu khác nhau, từ hương chanh, cam đến hương cà phê các loại... Và giá bán cũng vô cùng, từ vài ngàn cho đến vài trăm ngàn đồng, tùy loại. Thực tế, chỉ cần một gói hương liệu như bột cam, bột chanh... có giá chưa đến 10.000 đồng/gói, người bán hàng có thể pha chế ra vài chục ly bán cho khách hàng. Còn để chế biến ra sữa đậu nành, chỉ cần loại bột béo hương vị đậu nành, cộng với đường hóa học là người bán có được một ly "tươi mát" phục vụ "thượng đế". Điều đáng lo ngại, những loại hóa chất dùng để pha chế nước giải khát bán ở vỉa hè, xe di động đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, địa chỉ, cơ sở sản xuất... Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù những hóa chất có trong thức uống đường phố hiện nay không gây ngộ độc ngay nhưng về lâu dài sẽ gây ra những tác hại đối với người sử dụng như các bệnh về xơ gan, ung thư, vô sinh...

Cần tăng cường kiểm tra các "điểm nóng"
Theo kết quả kiểm tra mới nhất của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, phần lớn các xe bán nước giải khát di động, các quán giải khát vỉa hè đều vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm như dụng cụ để nước cáu bẩn, nước đá sử dụng phần lớn là nước đá dùng để ướp đồ ăn, pha chế đồ uống trong tình trạng không che đậy bụi bặm, ruồi nhặng... Điều này, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết, đây là nguy cơ giúp cho vi khuẩn E.Coli, một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kiết lị, tiêu chảy tấn công; đồng thời làm tăng khả năng phát sinh bệnh tiêu chảy, đặc biệt là phẩy khuẩn tả có nguy cơ quay trở lại trong điều kiện thời tiết nóng như hiện nay.

Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP, rất khó kiểm soát và dẹp bỏ tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh nước giải khát di động, lòng lề đường như hiện nay. Bởi nhu cầu sử dụng nước giải khát là khá cao, không chỉ những người dân mà còn có cả một số lượng lớn các em học sinh, do giá cả mềm, phù hợp với túi tiền. Bên cạnh đó, phần lớn những người kinh doanh nước giải khát đường phố đến từ các địa phương khác, có cuộc sống khó khăn. Biện pháp tối ưu hiện nay là tăng cường kiểm tra các "điểm nóng" bán nước giải khát di động, lòng lề đường; thanh tra y tế tiến hành lấy các mẫu nước uống đường phố để kiểm tra nhằm đưa ra cách giải quyết kịp thời; chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm kết hợp với các trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại nước uống đường phố để bảo đảm an toàn sức khỏe.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồ uống vỉa hè: Giật mình “công nghệ” chế biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.