Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đô thị văn minh, người Thủ đô thanh lịch

Hà Hiền| 11/01/2015 06:19

(HNM) -

Đó cũng là nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt của ngành văn hóa Hà Nội trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Đặc biệt là trên phương diện xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội cần được gìn giữ và phát huy. Ảnh: Minh Hà


Sáng tạo trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị

Năm 2014, Sở VH-TT&DL Hà Nội phát động cuộc thi "Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp" và "Tuyến phố điểm về hoạt động quảng cáo" đến 30/30 quận, huyện, thị xã nhằm thực hiện có hiệu quả "Năm trật tự văn minh đô thị". Bộ mặt đô thị của Hà Nội có phần văn minh hơn. Tuyến phố Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự (Long Biên) trước đây chằng chịt biển hiệu, biển quảng cáo rao vặt, nay thoáng đãng, gọn gàng. Phần lớn "biển vẫy" trên hè phố Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng, Chùa Bộc (Đống Đa) được thay bằng những biển hiệu đúng quy định. Tại huyện Thạch Thất, các hộ dân ở xã Đại Đồng được trang bị hai thùng rác nhằm phân loại rác vô cơ và hữu cơ, được hướng dẫn đổ rác đúng nơi quy định. Ở thị xã Sơn Tây, các ngành chức năng dọn sạch gần 900 biển hiệu có kích cỡ không đúng quy định trên phố Lê Lợi, Chùa Thông và hơn 1.000 biển hiệu ở các tuyến phố khác…

Kết quả đạt được trong việc xây dựng phố phường xanh, sạch, đẹp là không thể phủ nhận, nhưng, so với yêu cầu đặt ra của "Năm trật tự và văn minh đô thị", nếp sống văn minh đô thị vẫn chưa rõ tính thuyết phục. Hà Nội vẫn còn nhiều tuyến phố nhếch nhác, lộn xộn. "Thực hiện năm trật tự và văn minh đô thị năm 2015, ngành VH-TT&DL Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo ngoài trời; khuyến khích các địa phương chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, góp phần tạo nên diện mạo Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp hơn", Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Tô Văn Động cho biết.

Rõ ràng là công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị cần có sự đổi mới về phương pháp. Theo Trưởng phòng VH-TT quận Long Biên Nguyễn Trọng Duy, việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh cần có sự đổi mới theo hướng tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của họ. Cán bộ các phường trên địa bàn quận Long Biên gặp trực tiếp người có hành vi sai phạm để vận động, giải thích, yêu cầu ký cam kết không tái phạm. Long Biên tăng cường lực lượng bảo vệ tổ dân phố, phân rõ nhiệm vụ cho từng người; địa bàn có vụ việc vi phạm thì cán bộ phải chịu hình thức kỷ luật - nặng thì bị cắt hợp đồng, nhẹ thì chuyển địa bàn khác. Ngoài ra, quận còn hỗ trợ một phần kinh phí cho các tổ chức, cá nhân chỉnh trang hệ thống biển hiệu trên tuyến phố chính.

Thiếu nữ Hà thành duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: Hoàng Anh


Xây dựng bộ quy tắc ứng xử là giải pháp then chốt

Cùng với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, năm 2015, ngành VH-TT&DL Hà Nội, với vai trò là cơ quan thường thực của BCĐ Chương trình 04 sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội" do Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp với khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng, đã cơ bản hoàn thiện từ tháng 10 năm 2014. Hiện nay, bản "hương ước" chung của người Thủ đô đang được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội xem xét, phê duyệt. Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Nguyễn Khắc Lợi cho biết, trong dự thảo mới nhất, các tiêu chí có phần trùng lặp giữa các nhóm xã hội (cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và nơi công cộng) hoặc khó nhớ, khó hiểu đã cơ bản được khắc phục. Ví dụ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện… khi làm việc trong cơ quan, đơn vị mình thì phải ứng xử theo những chuẩn mực công sở (gương mẫu, chuyên nghiệp, có trách nhiệm, sáng tạo trong công việc, trang phục gọn gàng, tuân thủ các quy định của cơ quan, đơn vị…), nhưng khi ra nơi công cộng hoặc về nơi sinh sống, chính những người này cũng phải có cách ứng xử phù hợp quy tắc ở nơi công cộng, cộng đồng dân cư (trọng nghĩa, trọng tình, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng…). "Sau khi được duyệt, đề án sẽ được triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng", ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết.

Đề án "Hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội" chưa được triển khai nhưng người ta vẫn thấy, vẫn gặp những hành động, việc làm đậm chất văn hóa Hà Nội. Ví như khi khách lạ hỏi đường, người bản địa sẵn sàng chỉ dẫn; khi người già, trẻ em cần sự giúp đỡ, những thanh niên tình nguyện, cảnh sát giao thông chẳng ngại khó khăn giúp họ đến cùng. Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc thực hiện cưới tiết kiệm, văn minh. Ngày càng có nhiều đám cưới tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà, mời khách không quá 300 người. Việc tang ngày càng rõ nét văn minh, gần 80% số ca tử vong ở các quận được đưa đi hỏa táng, nhiều hủ tục lạc hậu ở vùng nông thôn bị loại bỏ… Đó là tiền đề cho việc nhân rộng phong trào người tốt - việc tốt, xây dựng nếp sống, lối sống thanh lịch, văn minh.

Hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư được xây dựng nhằm nhân rộng nét đẹp, sự hay của người Hà Nội từ xưa đến nay; đồng thời góp phần hạn chế những vấn đề còn tồn tại để người Hà Nội, văn hóa Hà Nội ngày một đẹp hơn, văn minh hơn, xứng đáng với vị thế dẫn đầu cả nước về văn hóa… Nếu đề án được hoàn chỉnh theo hướng thiết thực, khả thi, được đưa vào vận hành trong thực tế dưới sự hướng dẫn, kiểm tra một cách có trách nhiệm thì đó thực sự là giải pháp tốt nhằm thực hiện có hiệu quả "Năm trật tự và văn minh đô thị 2015" cũng như những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Tô Văn Động:
Hệ tiêu chí không đánh đố mà dễ nhớ, dễ hiểu

"Đề án hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hệ thống quy tắc ứng xử sẽ được áp dụng cho tất cả nên hệ tiêu chí không như đánh đố người khác, mà dễ nhớ, dễ hiểu, có thể áp dụng linh hoạt trong quá trình triển khai. Đề án không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chưa được phê duyệt nên có thể điều chỉnh, bổ sung. Nếu có những ý kiến hợp lý thì chúng tôi sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện. Biết là khó, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, để đề án sớm được triển khai.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đô thị văn minh, người Thủ đô thanh lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.