Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đô thị hóa và hệ lụy môi trường

Lâm Vũ| 11/04/2011 06:52

(HNM) - Những năm qua, bên cạnh những đô thị tiếp tục được mở rộng, nâng cấp, ngày càng xuất hiện nhiều khu đô thị mới tập trung, trong đó có các thị trấn, thị tứ, đưa số đô thị các loại ở nước ta lên đến trên 750. Làn sóng đô thị hóa tuy đã thổi luồng sinh khí mới vào nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân, nhưng cũng bộc lộ bất cập.

Việc lấy đất “bờ xôi ruộng mật” để xây dựng các khu công nghiệp đã tác động mạnh mẽ đến môi trường và cuộc sống của người dân. Trong ảnh: Cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt


Quy hoạch chưa hợp lý
Theo TS Đào Hoàng Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững, Chủ nhiệm đề tài cấp bộ "Những vấn đề cơ bản về môi trường đô thị nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam", quy hoạch đô thị ở nước ta hiện còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Để thu hút các nguồn vốn, phát triển công nghiệp phục vụ yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, hằng năm, gần 10 vạn hécta đất nông nghiệp đã được thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ, đường giao thông. Khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp thu hồi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có 80% thuộc loại đất màu mỡ cho hai vụ lúa/năm. Điều đáng nói là, sự dễ dãi và yếu kém trong quy hoạch cùng tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt đã dẫn tới tình trạng sử dụng đất tùy tiện, lãng phí. Hầu hết các khu công nghiệp, dịch vụ... đều bám dọc các quốc lộ huyết mạch, vùng nông thôn trù phú. Hệ quả là, hàng chục vạn hécta đất "bờ xôi ruộng mật" đã bị sử dụng phí phạm, tác động mạnh đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống của hàng chục vạn hộ gia đình nông thôn và hàng triệu lao động nông nghiệp.

Cùng với đô thị hóa, từ năm 2001 đến nay, quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động diễn ra khá nhanh nhưng vẫn chưa tương thích và đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2007, giá trị nông nghiệp trong GDP đã giảm xuống còn 19,6% trong khi tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn còn ở mức cao 52,8%. Nghịch lý này phản ánh thực tế là công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn chưa đủ sức tạo việc làm mới để thu hút lao động nông nghiệp. Ngoài một bộ phận không nhiều được tuyển vào các doanh nghiệp trên địa bàn, phần đông lao động vẫn ùn đọng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, đô thị hóa tất yếu dẫn đến sự dịch chuyển dân cư. Ở một số vùng nông thôn, điển hình như khu vực Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long xuất hiện dòng chuyển cư về thành thị, chủ yếu là về các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tình trạng tăng vọt dân số cơ học ở các thành phố lớn làm đậm thêm sự mất cân đối trong phân bố dân cư lao động trên phạm vi toàn quốc, khiến các thành phố lớn phải gánh chịu áp lực quá tải rất nặng nề về dân số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, sự phân bố các khu đô thị còn phân tán, không đồng đều giữa các vùng miền. Cho đến nay, nhịp điệu đô thị hóa sôi động chủ yếu diễn ra ở ngoại vi các thành phố lớn và các vùng phụ cận, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chính "căn bệnh to đầu" này đã làm chậm tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên phạm vi toàn quốc hạn chế việc phân bổ, phát huy các nguồn lực quốc gia. Ở từng địa phương, hạn chế phổ biến trong xây dựng, quy hoạch là thiếu tầm nhìn xa và tổng thể.

Hệ lụy về môi trường
Quá trình đô thị hóa là tất yếu nhưng nếu không được kiểm soát tốt sẽ tạo ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của đất nước, thể hiện ở việc tài nguyên đất bị khai thác triệt để, diện tích cây xanh và mặt nước giảm, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng... Ô nhiễm bụi là vấn đề nổi cộm của các đô thị. Chỉ số về bụi PM10 (hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10mm) ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đều vượt ngưỡng khuyến nghị của WHO. Bụi lơ lửng rất đáng lo ngại, kết quả quan trắc tại các tuyến giao thông ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cho thấy, khoảng 60% vượt chuẩn, trong đó 25% vượt gấp 2 lần. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường nước đô thị cũng rất đáng báo động. Các kết quả nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy, tại các đô thị lớn, nguồn nước ngầm đang có dấu hiệu cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn. Mực nước của các tầng chứa nước giảm liên tục. Nước thải đô thị chưa qua xử lý đổ ra các sông là nguồn phát thải gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ngày càng có nhiều mương ao, hồ nội đô trở thành nơi chứa nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt, đặc biệt là ở Hà Nội.

PGS, TS Hà Huy Thành, Viện Nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững cho biết, các khu đô thị tuy chỉ chiếm 28,5% dân số của cả nước nhưng có đến hơn 6 triệu tấn chất thải mỗi năm (gần bằng 50% tổng lượng chất thải của cả nước). Nguyên nhân chính là do dân số tập trung cao, nhu cầu tiêu dùng lớn, hoạt động thương mại đa dạng trong điều kiện chưa có hoặc có nhưng chưa thực hiện chiến lược về vấn đề này.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 40%, số dân cư sinh sống tại đô thị khoảng hơn 45 triệu. Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hóa, đặc biệt là vấn đề môi trường... Chính vì vậy, theo TS Đào Hoàng Tuấn, một số giải pháp bảo vệ môi trường của các đô thị nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là xây dựng một chính sách dân số đặc thù cho từng đô thị, hạn chế quá trình di dân tự do; xây dựng quy chế bảo vệ môi trường đô thị cụ thể theo đặc thù của địa phương. Ông cho rằng, công tác quy hoạch đô thị phải đổi mới và nâng cao chất lượng theo hướng gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội có tầm nhìn dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đô thị hóa và hệ lụy môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.