Theo dõi Báo Hànộimới trên

Do doanh nghiệp lắt léo

Nhóm PV CTXH| 28/04/2011 06:54

(HNM) - Đã tròn 2 tháng kể từ ngày những lao động Việt Nam rời Libya về nước. Theo chỉ đạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thì sau khi lao động về nước, chậm nhất 2 tháng, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) phải tiến hành thanh lý hợp đồng cho người lao động (NLĐ). Thế nhưng, xem ra việc thanh lý rất phức tạp do sự lắt léo mà các doanh nghiệp đã tạo ra khi đưa lao động đi XKLĐ.

Người lao động  (huyện Thạch Thất, Hà Nội) trở về từ Libya làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: Thanh Hải

Theo đơn của anh Nguyễn Huy Thường, ngày 26-3-2010, anh đã trúng tuyển và được ký hợp đồng làm việc tại Libya theo chương trình XKLĐ của Công ty Thương mại và cung ứng nhân lực Tramanco - Tổng Công ty Du lịch Hà Nội với mức lương cơ bản 600 USD/tháng. Cùng đi với anh Thường có 53 lao động khác. Để được đi làm việc tại Libya, ngoài các khoản phải đóng theo quy định, một số lao động đã phải đóng thêm từ 1.300 đến 1.750 USD, một số khác bị giữ lại từ 2 đến 4 tháng lương, tổng số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng. Theo giải thích từ phía công ty, đây là số tiền để xử lý các tình huống xấu nếu NLĐ bỏ trốn hoặc vi phạm pháp luật. Thế nhưng, đến nay, khi lao động đã về nước được 2 tháng, phía công ty vẫn chưa thanh toán trả lại số tiền nói trên cho NLĐ.

Theo thông tin mà chúng tôi có được, trong số 53 lao động nói trên có 20 lao động do Công ty CP Xây dựng nhân lực và dịch vụ (Cavico) hợp tác với Công ty Tramanco đưa đi, còn 33 lao động khác do Công ty cổ phần Cung ứng dịch vụ hàng không (Airserco) đưa đi. Vấn đề rắc rối ở chỗ toàn bộ 53 lao động này, xét trên văn bản, giấy tờ là do Airserco quản lý. Giải thích về việc người lao động do các công ty XKLĐ khác nhau tuyển đưa sang Libya, nhưng cuối cùng lại do Airserco quản lý, đại diện Airserco cho biết, đó là vì Airserco muốn mở rộng thị trường nên đã thỏa thuận với các doanh nghiệp khác để quản lý số lao động này. Việc tiếp nhận 53 lao động đã có văn bản trình Cục Quản lý lao động ngoài nước. Chính vì thế, việc giải quyết quyền lợi cho lao động sau khi từ Libya trở về là trách nhiệm của Airserco.

Sự rắc rối chưa dừng ở đó. Nói về số tiền chưa trả lại cho NLĐ, Airserco cho rằng, toàn bộ số tiền gần 1 tỷ đồng là do bà Ngô Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động hàng không trực thuộc Airserco tự ý thu, không phải chủ trương của công ty. Tuy nhiên, việc bà Ngô Minh Huệ thu tiền của NLĐ xuất phát từ việc trước khi về Airserco, bà Huệ đang làm việc cho Tramanco. Đến tháng 7-2010, Airserco mới tuyển dụng bà Huệ vào làm việc với vị trí giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động. Khi về Airserco, bà Huệ đã đưa 53 lao động nói trên đi làm việc tại Libya và có văn bản cam kết với Airserco về việc cá nhân sẽ chịu trách nhiệm. Mặt khác, về việc này, cuối năm 2010, khi Thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu làm rõ thì Airserco đã yêu cầu bà Huệ trả lại số tiền trên cho NLĐ. Việc trả lại tiền chưa được giải quyết thì xảy ra chiến sự tại Libya.

Riêng đối với những lao động do Cavico tuyển dụng, ông Đào Ngọc Quế, Phó Giám đốc Cavico cho biết, đầu năm 2010, Cavico có hợp tác với bà Huệ để đưa 20 lao động do Cavico tuyển dụng đi xuất khẩu tại Libya. Theo hợp đồng ký với 20 lao động, Cavico có trách nhiệm quản lý nhưng không biết bà Huệ giữ tiền lương của NLĐ. Sau khi NLĐ báo cáo lại sự việc bị giữ 2 tháng lương, Cavico đã có công văn gửi Airserco yêu cầu bà Huệ trả tiền cho NLĐ. Sau đó, bà Huệ đã làm bản cam kết với Cavico và NLĐ nhưng đã nhiều lần thất hứa, không trả tiền đúng hẹn.

Để giải quyết quyền lợi chính đáng của NLĐ, ngày 22-3-2011, Cavico đã có buổi làm việc với 20 lao động và bà Ngô Minh Huệ. Theo biên bản làm việc, ngày 31-3-2011, 20 lao động do Cavico đưa đi sẽ được thanh toán đầy đủ khoản tiền lương bị thiếu cũng như những khoản phí bị thu sai nguyên tắc. Thế nhưng, đến nay đã gần hết tháng 4 mà những lao động này vẫn chưa được nhận lại những đồng tiền chính đáng của mình.

Việc đưa lao động sang nước ngoài làm việc nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho NLĐ là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Thế nhưng, ngoài trường hợp cụ thể của 53 lao động nói trên, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang vận dụng luật một cách hết sức lắt léo, dẫn đến mỗi khi có tình huống xấu xảy ra, NLĐ không biết kiện ai, đòi ai và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng về quyền lợi chính đáng của họ. Sự việc còn cho thấy rõ sự thiếu cương quyết cũng như việc quản lý các doanh nghiệp XKLĐ, việc thẩm định các hợp đồng XKLĐ của cơ quan chức năng còn quá nhiều sơ hở không chỉ riêng ở thị trường Libya.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Do doanh nghiệp lắt léo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.