Theo nhận định của các chuyên gia, không ít sản phẩm được tung hô là “diệt khuẩn” từ 99–100% chỉ là… “chém gió”. Bởi thực hư chất lượng “diệt khuẩn” các sản phẩm đến đâu vẫn chưa được kiểm nghiệm.
Loạn về công dụng “ảo”
Đến các cửa hàng, siêu thị, khi nghe phóng viên hỏi về các mặt hàng chống độc, diệt khuẩn, hầu như người bán nào cũng đưa ra hàng loạt cam kết về chất lượng sản phẩm. Trong đó, không ít người bán nhấn mạnh đến khả năng chống độc, diệt khuẩn đạt 100% của sản phẩm với cam đoan ngay cả nước rửa chén được lọc qua máy cũng trở nên hoàn toàn tinh khiết có thể uống ngay. Nhưng nếu muốn kiểm nghiệm chất lượng nước, thực phẩm có được xử lý “sạch” như quảng cáo hay không thì khách hàng phải tự đi kiểm nghiệm. Điều này hầu như không mấy người tiêu dùng thực hiện vì quá tốn công, tốn của.
Một loại bình sữa tráng nano được giới thiệu là diệt khuẩn
Nắm bắt tâm lý chuộng hiệu quả chống độc, diệt khuẩn, nhiều người bán không ngại quảng cáo “ăn theo” cho các sản phẩm đồ gia dụng không có chức năng này. Cụ thể, với các loại bình lọc nước gia đình, hay bộ lọc nước chỉ có chức năng lọc cặn bẩn với giá bán vài trăm ngàn/sản phẩm hiện được nhiều người bán giới thiệu có cả chức năng diệt khuẩn, chống độc để thu hút khách hàng.
Theo lời quảng cáo của một shop chuyên về sản phẩm tiệt trùng cho trẻ, sử dụng các sản phẩm tiệt trùng và giữ ấm là cách bảo vệ bé khỏi vi trùng và nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có hại thường phát triển nhanh chóng trong sữa và thức ăn. Dưới 1 tuổi, bé dễ bị vi khuẩn gây bệnh tấn công, khiến bé mắc các bệnh về đường ruột. “Vì vậy để giúp phòng tránh hàng ngàn ca mắc bệnh ở bé sơ sinh. Shop Trẻ Thơ khuyên bạn nên sử dụng các sản phẩm tiệt trùng và giữ ấm như: máy hâm sữa, máy tiệt trùng bình sữa hoặc các dụng cụ giúp tiệt trùng và giữ ấm sữa, bình sữa để đảm bảo vệ sinh an toàn cho bé và cho gia đình bạn! Bởi vì đơn giản, bạn không thể tạo ra môi trường vô trùng 100%, bạn chỉ có thể giảm thiểu rủi ro mắc bệnh cho bé bằng giữ vệ sinh hàng ngày”, Shop này tự tin tuyên bố có thể tiệt trùng đến… 100%.
Các sản phẩm nào là khăn ướt, hộp đựng thức ăn, ca uống nước, quạt… cũng được quảng cáo sử dụng công nghệ diệt khuẩn, tiệt trùng. Thậm chí có loại điều hoà được quảng cáo có thể khử mùi, diệt đến 99,9% vi khuẩn, khử nấm mốc và ngăn chặn, tiêu diệt nhiều loại virus… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, công nghệ này diệt được khuẩn đến đâu, hiện chưa có cơ quan nào nghiên cứu cụ thể. Máy sục ôzôn cũng có khả năng phân hủy được chất hóa học nhưng chưa ai phân tích được nó có thể phá hủy hoàn toàn độc tố của thuốc trừ sâu. Đối với thức ăn trước và sau khi cho vào tủ lạnh có ôzôn cũng chưa có thiết bị để kiểm nghiệm xem bao nhiêu con vi khuẩn được diệt và khả năng khử mùi đến đâu. Còn việc sử dụng công nghệ nano bạc vào các sản phẩm điện từ sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế, phòng tránh được một số vi khuẩn nhất định như vi khuẩn thường gây các bệnh đường ruột Ecoli chứ không thể đảm bào diệt khuẩn, tiệt trùng hoàn toàn.
Sản phẩm có như quảng cáo?
TS.Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm – ĐHBK Hà Nội) cho hay: Một sản phẩm máy sấy phải đảm bảo các yếu tố sau để có thể diệt khuẩn: sinh ra nhiệt (để bay hơi), có đối lưu không khí (thoát hơi nhanh), có bộ phận khả năng sinh ra tác nhân diệt khuẩn (ví dụ quá trình tạo ra ozone trong không khí, tạo tia tử ngoại, đôi khi có thể làm tích điện âm để khiến kết tủa bụi đi kèm theo khuẩn). Ngoài ra, phải có bộ phận có khả năng lọc khí.Nhiều sản phẩm hiện đại có cấu tạo phức tạp, cồng kềnh có thể làm được. Nhưng máy của chúng ta có đủ hết những bộ phận như thế không lại là chuyện khác. Hai yếu tố đầu có thể có, nhưng với điều kiện thứ 3, 4 thì chúng ta không kiểm soát được. Căn cứ vào các yếu tố trên đây, TS Thịnh cho rằng: Thớt, bàn chải đánh răng, quạt hay giá treo đồ gia dụng không có cấu tạo quá phức tạp để đảm bảo được khả năng diệt khuẩn.
Theo phân tích của ông Thịnh, bàn chải là một dụng cụ bằng nhựa dùng thuốc đánh răng để cọ xát, tẩy rửa những chất bẩn trên bề mặt răng, đồng thời có thêm chất phụ gia để củng cố men răng (thêm hàm lượng canxi hay trong miệng nếu có chua thì cho thêm chút kiềm để giảm đi). Sau đó súc miệng bằng nước sạch thì chất bẩn sẽ kéo ra ngoài. Bàn chải là sản phẩm thuần túy cơ học và không có nguyên lí nào để đảm bảo được khả năng diệt khuẩn. Có chăng thuốc đánh răng có khả năng sát khuẩn.
Đối với quạt diệt khuẩn, TS Thịnh khẳng định, kết cấu của sản phẩm này là hút đằng sau và thổi đằng trước. Nó không đủ cầu kì như điều hòa nhiệt độ để diệt khuẩn. Điều hòa có một bộ phận hút vào và thải ra. Qua màng lọc bụi. Vì vi khuẩn rất bé và bao giờ cũng đi theo bụi nên máy tạo ion âm sẽ kết tủa bụi lại, vi khuẩn cũng được giữ lại, không thải ra môi trường nhưng không phải là diệt được hoàn toàn. Còn quạt không có chỗ để lọc. Một số quạt phả ra hơi nước để mát không khí chứ không phải là tỏa ra chất để diệt khuẩn. “Ngoài ra, trong gia đình, con dao cái thớt là vật rất bẩn. Ở Châu Âu, người ta sáng chế ra một loại hộp đựng có khả năng khi đóng cửa, hộp sẽ sinh ra một dòng tia cực tím để diệt khuẩn. Đó là tiến bộ rất lớn. Nhưng nếu chỉ là cái khay, cái giá để treo những đồ dùng này thì hoàn toàn không có khả năng sinh ra chất để diệt khuẩn” – ông cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.