(HNM) - Ngừng canh tác từ năm 2010, sẵn sàng bàn giao đất phục vụ dự án làm đường, nhưng từ đó đến nay các hộ dân vẫn mòn mỏi chờ nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ từ dự án.
Dự án đường trục trung tâm đô thị Mê Linh được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tháng 1-2007. Sau khi sáp nhập về Hà Nội, tháng 1-2009, UBND huyện Mê Linh được thành phố giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án trên. Từ tháng 3-2010, các hộ dân thuộc diện thu hồi đất đều ngừng canh tác sau khi nhận được Thông báo số 65/TB-UBND của UBND huyện Mê Linh. Thế nhưng, đã 4 năm trôi qua, nhiều diện tích đất màu mỡ vẫn bị bỏ hoang, trong khi chính quyền cũng chưa bồi thường, hỗ trợ, thu hồi để triển khai dự án.
Một đoạn đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh đang được thi công. |
Qua tìm hiểu, khúc mắc là việc kiểm tra, xác minh nguồn gốc, diện tích đất và cách hiểu về hạn mức đất chưa thống nhất. Đơn cử như trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Cự, thôn Ngự Tiền, xã Thanh Lâm. Theo báo cáo 116/BC-UBND ngày 27-12-2013 của UBND xã Thanh Lâm, sau khi điều tra, xác minh nguồn gốc đất, UBND xã đã đề nghị UBND huyện cho phép lập phương án bồi thường, hỗ trợ 1.252m2 đất của hộ ông Cự là đất nông nghiệp quỹ 1 nằm trong hạn mức giao đất của địa phương theo nội dung văn bản 860/BCĐ-NV2 của Ban chỉ đạo GPMB thành phố. Tuy nhiên, ngày 24-1-2014, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mê Linh lại có báo cáo số 13/BC-TNMT, đề xuất 1.252m2 đất trên là đất nông nghiệp sử dụng ngoài hạn mức. Lạ là cả hai báo cáo, đề xuất (của xã Thanh Lâm và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mê Linh), tuy khác nhau ở việc xác định loại đất, nhưng đều căn cứ theo văn bản 860 của Ban chỉ đạo GPMB thành phố. Không đồng tình với việc cho rằng đây là đất ngoài hạn mức, ông Cự làm đơn khiếu nại. Ngày 24-2, UBND huyện Mê Linh lại có văn bản 636/UBND-TNMT gửi UBND xã Thanh Lâm, yêu cầu kiểm tra, làm rõ hồ sơ pháp lý các thửa đất nông nghiệp do hộ ông Cự sử dụng qua các thời kỳ: Trước năm 1987, từ năm 1987 đến 1993, từ năm 1993 đến nay. Trường hợp chưa đủ cơ sở pháp lý xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng, UBND xã thành lập Hội đồng tư vấn để xác định.
Theo ông Nguyễn Văn Giỏi, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, không có văn bản cụ thể nào nói về hạn mức giao đất của địa phương. Còn ông Đinh Ngọc Thức, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mê Linh thì cho rằng, cách hiểu hạn mức đất của chính quyền địa phương chưa đúng, đáng lẽ phải gọi đó là tiêu chuẩn bình quân của địa phương. Tuy nhiên, tại Điều 69 Nghị định 181/CP của Chính phủ về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất, có xác định hạn mức đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá 2ha, tương đương 20.000m2. Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, theo quy định của pháp luật thì các hộ dân đều thuộc đối tượng được đền bù và hỗ trợ bởi nguồn gốc cũng như quá trình quản lý, sử dụng của họ đều đáp ứng các yêu cầu của Luật Đất đai. Việc chậm thực hiện bồi thường, hỗ trợ chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và cuộc sống của các hộ dân.
Không riêng hộ ông Cự, các trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Tiến Hùng cũng chưa nhận được đền bù, hỗ trợ từ phía chủ đầu tư. Cả 4 hộ dân này đều tham gia vào Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phú Hữu, có đóng sản lượng đầy đủ hằng năm đến thời điểm có thông báo thu hồi đất của UBND huyện Mê Linh. Đặc biệt, các hộ dân trên đều đang quản lý và sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15-10-1993 và không có tranh chấp cũng như chưa bị xử lý bất cứ vi phạm gì trong lĩnh vực đất đai.
Điều đáng nói nữa là dự án đường trục trung tâm đô thị Mê Linh có tổng diện tích đất phải thu hồi là 116,72ha, với chiều dài 11,67km kéo dài trên 8 xã. Hiện tại, UBND huyện Mê Linh đã thu hồi được 109,9ha, chiếm tới hơn 94% khối lượng GPMB. Phần tồn tại ở xã Thanh Lâm chính là 5 hộ trên (trong tổng số 10 hộ gia đình bị thu hồi đất). Không phải các hộ dân chây ỳ, không chịu nhận hỗ trợ, bồi thường như nhiều dự án khác, ngược lại, họ rất mong sớm được bàn giao mặt bằng cũng như được bồi thường, hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Còn chủ đầu tư cũng thừa nhận, nếu quá trình thực hiện thu hồi đất chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.