Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồ chơi nhập ngoại: Nguy cơ độc hại nhưng... khó tránh!

Thùy Linh| 01/06/2013 07:54

(HNM) - Để thu hút

Tại các chợ đầu mối như Bình Tây (quận 6), Tân Bình (quận Tân Bình) và các tuyến phố chuyên bán đồ chơi trẻ em như Ngô Nhân Tịnh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi (quận 5)… la liệt các loại đồ chơi như xe đạp, ô tô, búp bê, bộ ghép hình, siêu nhân, súng nhựa, tàu thủy, máy bay, thú nhún... phần lớn có xuất xứ Trung Quốc. Nhiều cửa hàng vẫn bán các loại đồ chơi nằm trong danh mục cấm kinh doanh, đặc biệt là súng… với giá mỗi món từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Chủ cửa hàng trên đường Ngô Nhân Tịnh mời chào khách nhiệt tình và không ngừng giới thiệu hàng loạt sản phẩm mới như súng AK47, M41A1… trông như thật và lời giới thiệu khiến "thượng đế" cũng phải xiêu lòng, đại loại như "con trai thì phải chơi súng hoặc kiếm thì mới mạnh mẽ…".

Lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra một cửa hàng đồ chơi.



Tại cửa hàng Tuấn Anh - Mỹ Linh (đường Ngô Nhân Tịnh, phường 13, quận 5), khách hàng có thể choáng ngợp với hàng trăm mặt hàng đồ chơi như siêu nhân, súng, các bộ xếp hình… màu sắc sặc sỡ với mùi nhựa nồng nặc. Rất nhiều sản phẩm như máy tính và điện thoại nước, rô bốt, xe hơi, bowling toys, búp bê… chưa được dán tem hợp quy. Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều cửa hàng trên địa bàn thành phố bày bán những mặt hàng đồ chơi không dán tem đan xen với hàng dán tem hợp quy như vậy. Một chủ cửa hàng phân trần trước thắc mắc của chúng tôi về vấn đề trên: "Chị muốn hàng có tem thì có tem chứ đâu có khó gì, nhưng đừng tưởng có tem là hàng có chất lượng!". Lý do, theo chủ cửa hàng này, nếu muốn dán tem thì sẽ có nguồn để mua về dán, rất đơn giản!

Cần tăng cường kiểm tra, quản lý


Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay cơ quan này đã phát hiện hơn 8.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em là hàng cấm, hàng nhập lậu. Trong đó, số hàng nhập lậu là gần 6.000 sản phẩm chủ yếu từ Trung Quốc.

Một trong những lý do đồ chơi Trung Quốc dù được khuyến cáo nhiều nhưng vẫn tràn lan trên thị trường là giá thành rẻ nên được nhiều phụ huynh lựa chọn. Đơn cử, một bộ gồm các con vật có xuất xứ Trung Quốc giá chỉ 20.000 - 25.000 đồng, một bộ xếp hình đơn giản chỉ khoảng 100.000 đồng... Chị Phạm Ngọc Huệ đang tìm mua đồ chơi cho con tại chợ Bình Tây cho biết, hàng Trung Quốc quá rẻ, còn hàng nội thì quá đắt. Trong khi đó, trẻ con phải thay đổi đồ chơi xoành xoạch nên không phải ai cũng đủ tiền mua hàng nội. Đơn cử, một bộ xếp hình đồ chơi của Trung Quốc chỉ có giá khoảng 100.000 đồng/bộ trong khi giá của các nhà sản xuất trong nước phải vài trăm nghìn đồng trở lên, thậm chí cả triệu đồng. Với mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị không thể mua nổi hàng nội cho con, chưa nói người có thu nhập thấp hơn. Mặt khác, trẻ con luôn thích hàng Trung Quốc hơn vì mẫu mã đẹp, màu sắc sặc sỡ. Tương tự, anh Đoàn Vũ đang cùng cậu con trai 3 tuổi tìm mua đồ chơi cũng cho biết, bé rất thích các loại rô bốt biến hình. Nhưng nếu mua những loại đồ chơi như thế này ở chợ thì chỉ trên dưới 100.000 đồng, còn nếu mua ở các cửa hàng có tem nhãn mác đàng hoàng thì giá mỗi bộ thấp nhất là 500.000 đồng, thậm chí đến cả triệu đồng. "Chúng tôi chỉ biết hạn chế và không mua những mặt hàng đã bị phát hiện có chất độc như thú nhún thôi" - anh Vũ nói.

Vừa qua, khi phát hiện trong các loại thú nhún cho trẻ em có chứa hóa chất độc hại trong khi nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé gái có nguy cơ dậy thì sớm, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh... thì Bộ Khoa học và Công nghệ mới lên kế hoạch thanh tra thị trường đồ chơi trẻ em trên toàn quốc trong tháng 8 và 9 tới. Thế nhưng, theo ông Thanh Hoàng (ngụ quận 3), thị trường tràn ngập hàng thật - giả, người tiêu dùng bằng mắt thường cũng khó có thể nhận biết đồ chơi an toàn cho bé. "Cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay, đặc biệt là QLTT, không thể nói là không biết vì hàng Trung Quốc bày bán công khai chứ có giấu giếm gì mà không biết" - ông Hoàng bức xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồ chơi nhập ngoại: Nguy cơ độc hại nhưng... khó tránh!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.