(HNM) - Thực dân Pháp chiếm nước ta từ năm 1858 và sau đó lần lượt chiếm các tỉnh Nam bộ, trong đó có Sài Gòn. Tiếp đó, Pháp đưa quân ra Bắc và đánh chiếm thành Hà Nội nhưng lần đầu (1873) thất bại và lần thứ hai thì chiếm được thành năm 1882.
Thế nhưng từ năm 1858 cho đến 1899 vẫn không có đàn ông Việt Nam nào mặc đồ Âu, kể cả những người đi làm cho Tây. Họ vẫn mặc gấm, áo lụa. Claude Bourrin là nhân viên thu thuế từng sống ở Hải Phòng, Sài Gòn, Lạng Sơn, Hà Nội và đi qua hết các tỉnh từ Bắc vào Nam khi về nước năm 1908 đã viết "Genres et choses en Indochine 1898-1908" (Đông Dương ngày ấy 1898-1908). Cuốn sách kể lại những chuyện ở nhiều tỉnh, thành mà Claude đã sống và đi qua. Theo Claude thì người Việt đầu tiên mặc đồ Âu là một người gốc Hà Nội làm việc trên chiếc tàu thủy chuyên chở khách từ Pháp về cảng Hải Phòng và ngược lại. Khi từ Pháp trở về Hải Phòng, anh đã mặc quần Âu, áo sơ mi. Người dân trên bến tàu nhìn anh lạ lẫm và có vẻ lo sợ cho anh sẽ bị cảnh sát bắt. Vì sao cảnh sát lại bắt một người mặc đồ Âu? Thực ra, thực dân Pháp không hề cấm người Việt Nam khi đó mặc đồ Âu. Nguyên nhân chính là giá một bộ đồ Âu rất đắt. Mặt khác, ăn mặc kiểu truyền thống dễ chịu hơn thứ quần áo trông rất hộp ấy. Những người Việt Nam được đào tạo tiếng Pháp khóa đầu tiên vào năm 1888 để làm thông ngôn, được coi là có cuộc sống đàng hoàng, đi làm cũng chỉ mặc áo lụa đen và mang theo chiếc ô gọng sắt sản xuất ở Lyon. Đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ XX, số đàn ông Việt Nam mặc đồ Âu nhiều hơn vì nhiều người ở Hà Nội có tư tưởng cấp tiến, họ coi quần the, khăn đống là sản phẩm của chế độ phong kiến hủ bại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.