Theo dõi Báo Hànộimới trên

DN "đói" lao động nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao

Lan Hương| 04/11/2010 15:02

(HNMO) – Trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 90.000 doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút lao động và giải quyết việc làm cho thành phố. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, do chất lượng của cung lao động còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, nên mức độ đáp ứng cung – cầu mới đạt khoảng 70%, sức ép về việc làm hiện nay khá lớn.

Đến nay, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao (năm 2010 vào khoảng 5%).

Để giải quyết những bất cập trên và xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động, sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 3602/QĐ – UBND ngày 16/7/2009 về việc phê duyệt: “Đề án tiếp tục phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. Trong đề án đã định hướng 4 nhóm giải pháp để phát triển thị trường lao động là: kích cầu lao động; nâng cao chất lượng cung lao động cho thị trường; phát triển thông tin thị trường lao động, hoàn thiện hệ thống giao dịch chính thức trên thị trường lao động; tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường lao động.

Thực hiện các giải pháp trên, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã lên kế hoạch đầu tư mở rộng Sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội và đặt thêm 5 Điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã để hỗ trợ người lao động tìm việc và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Theo đó, trong 3 năm 2008 – 2010, thành phố đã tổ chức được 91 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 6.735 doanh nghiệp và khoảng 210.000 lao động. Hiện đã có 56.939 lao động được tuyển dụng qua hoạt động của Sàn giao dịch việc làm, chiếm 14,66% tổng số lao động toàn thành phố đã được giải quyết việc làm trong 3 năm (2008 – 2010).



Số người tìm được việc làm qua hoạt động Sàn giao dịch việc làm Hà Nội mới
đạt xấp xỉ 25%. Ảnh minh họa.


Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, Sàn giao dịch việc làm Hà Nội còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là, tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức thực hiện các phiên giao dịch, kết nối cung – cầu lao động chưa cao. Thông tin về cầu lao động của các doanh nghiệp tại phiên giao dịch còn đơn giản, thiếu cụ thể. Bên cạnh đó, hoạt động của các phiên giao dịch việc làm còn chưa cung cấp được thông tin về cung lao động cho các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiệp đã phải đến với phiên giao dịch nhiều lần mà chưa tuyển dụng được đủ chỉ tiêu lao động, đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Do đó, số lao động đến tham dự Phiên giao dịch việc làm đông, chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp lớn nhưng số người tìm được việc làm qua hoạt động Sàn giao dịch việc làm còn thấp (cung đáp ứng cầu bình quân đạt xấp xỉ 25%).

Ngoài ra, trình độ chuyên môn, kỹ năng tư vấn, khả năng kết nối cung – cầu lao động của một số CBCNV làm công tác tư vấn giới thiệu việc làm của 2 Trung tâm giới thiệu việc làm còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, nên chưa tạo được niềm tin cho người được tư vấn.

Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ cho các Phiên giao dịch việc làm cũng như đáp ứng yêu cầu cho công tác thị trường còn nhiều bất cập và đồng bộ. Ví như, mặt bằng để tổ chức các Phiên giao dịch việc làm còn chật hẹp, nhất là địa điểm tổ chức Phiên giao dịch việc làm của Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội tại 144 Trần Phú, Hà Đông phải sử dụng chung với nhiều cơ quan…Đến nay, mới có 3/5 quận, huyện tạm thời có địa điểm để tổ chức Phiên giao dịch việc làm vệ tinh và tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại các Trung tâm dạy nghề của huyện. Thị xã Sơn Tây và huyện Ứng Hòa đến nay chưa tìm được địa điểm đặt điểm giao dịch việc làm gây khó khăn cho thành phố trong việc chỉ đạo thiết lập hệ thống điểm giao dịch việc làm vệ tinh…

Để triển khai tiếp “Đề án tiếp tục phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” và thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 137.000 lao động năm 2011; UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ phê duyệt kế hoạch tổ chức hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch việc làm và các phiên giao dịch việc làm đến năm 2015.

Được biết, trong năm 2011, thành phố sẽ thực hiện tăng tần suất các phiên giao dịch việc làm cố định lên 60 phiên/năm. Trong đó, tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội – số 285 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy sẽ định tổ chức 3 phiên/tháng vào các ngày 10; 20 và 28 hàng tháng; Tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội, số 144 Trần Phú, Hà Đông sẽ định kỳ tổ chức 2 phiên/tháng vào các ngày 1 và 15 hàng tháng.

Ngoài ra, trong năm 2011 thành phố sẽ tổ chức thêm 10 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện dự kiến sẽ đặt Điểm giao dịch việc làm vệ tinh và một số quận, huyện có thị trường lao động phát triển và có nhu cầu cung cấp thông tin thị trường cho người lao động và người sử dụng lao động; Đầu tư một số trang thiết bị cho các Điểm giao dịch việc làm vệ tinh đã được UBND quận, huyện xác định địa điểm đặt Điểm giao dịch việc làm; Đầu tư nâng cấp cho Sàn giao dịch việc làm mở rộng tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội, 144 Trần Phú, Hà Đông.

Ngoài ra, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng lên kế hoạch tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng để các doanh nghiệp và người lao động tìm việc biết về hoạt động của Sàn giao dịch việc làm và kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch; Duy trì tổ chức các phiên giao dịch việch làm vào các ngày cố định để doanh nghiệp và người lao động dễ nhớ (ngày 1 và 15 hàng tháng tại địa chỉ 144 Trần Phú, Hà Đông; ngày 10, 20 và 28 hàng tháng tại địa chỉ 285 Trung Kính, Cầu Giấy). Tiếp nữa là, kết hợp hoạt động thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm với công tác giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các phiên giao dịch việc làm là địa chỉ tin cậy để người lao động thất nghiệp tiếp cận được nhanh nhất với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, từ đó giúp họ sớm trở lại thị trường lao động…

Hy vọng, với những nỗ lực trên, Hà Nội sẽ nhanh chóng thoát sẽ khỏi danh sách có tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao; giải quyết thêm được nhiều việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
DN "đói" lao động nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.