(HNMO) - Bắt đầu từ ngày 15/9, doanh nghiệp (DN) có hành vi bắt chước sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại khác sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng.
Riêng đối với hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, công dụng, thời gian bảo hành... mức phạt tiền dao động từ 80 - 140 triệu đồng.
Trên đây là một trong những nội dung của Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh do Chính phủ ban hành ngày 21/7/2014.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước các loại quảng cáo. Ảnh minh họa. |
Tại Nghị định này có một nội dung đáng chú ý khác là quy định tăng mức phạt đối với các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức khuyến mại gian dối về giải thưởng; khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng... sẽ tăng khoảng 45 - 55 triệu đồng lên 50 - 80 triệu đồng. Đối với DN trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng trong năm đó và yêu cầu đặt cọc hoặc mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, mức phạt tiền lần lượt là 40 - 60 triệu đồng và 60 - 100 triệu đồng.
Mặt khác, DN có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên, trực tiếp hoặc gián tiếp thỏa thuận mức giá hàng hóa, dịch vụ thống nhất đối với một số hoặc tất cả khách hàng; thỏa thuận tăng hoặc giảm giá ở mức cụ thể; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ... sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm có những hành vi vi phạm nêu trên.
Bên cạnh đó, mức phạt tiền trên cũng được áp dụng đối với các DN có hành vi áp đặt giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng; ấn định lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ ở mức đủ để tạo sự khan hiếm trên thị trường; thông đồng để một hoặc các bên thắng thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; loại bỏ hoặc ngăn cản, kìm hãm không cho DN khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.