(HNMO) - Một số doanh nghiệp đã chủ động phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc khi vấn đề này lần đầu được đưa vào Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012.
Trong khi khái niệm về QRTD, các hành vi QRTD và hướng dẫn quy trình giải quyết xử lý quấy rối tình dục chưa được qui định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam, một số doanh nghiệp đã đưa quy định cấm quấy rối tình dục vào nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể, hoặc chính sách nội bộ của công ty với sự giúp đỡ của chương trình thí điểm do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã xây dựng các chương trình truyền thông và tổ chức các hoạt động tập huấn để nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Các hoạt động chia sẻ bài học điển hình của các doanh nghiệp sẽ được ILO và VCCI tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Nhân sự kiện này ILO và VCCI sẽ giới thiệu cuốn sách “Hướng dẫn thực hiện phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.
Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết: “Quấy rối tình dục là một dạng bạo lực trên cơ sở giới tại nơi làm việc. Vấn đề này cần được giải quyết triệt để vì quyền hợp pháp của mỗi người lao động và nhằm đảm bảo một môi trường làm việc lành mạnh và năng suất.”
Phó Chủ tịch thường trực VCCI Hoàng Văn Dũng hy vọng cuốn tài liệu hướng dẫn sẽ giúp doanh nghiệp có thêm kiến thức và phương pháp trong việc triển khai phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Điều đó sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp,” ông nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.