Doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ * Đầu tư mạnh vào các lĩnh vực công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp (HNM) - Cùng với tiếp nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài là hướng đi tất yếu và phù hợp với điều kiện kinh tế nước ta hiện nay nhằm tận dụng tài nguyên tại chỗ (nước tiếp nhận đầu tư), mở rộng thị trường, quảng bá hình ảnh…
Năm 2009, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD. Một "làn sóng mới" - đầu tư ra nước ngoài - xuất hiện là điều được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo. Con số kỷ lục nêu trên cho thấy một xu hướng định vị hình ảnh doanh nghiệp nói riêng, Việt Nam nói chung trên bản đồ kinh tế thế giới đang được thúc đẩy mạnh mẽ và có hiệu quả.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy sơn Kova (100% vốn của Việt Nam và Xingapo đầu tư) tại tỉnh Svâyriêng (Campuchia) Ảnh: Hoài Nam
Nhìn lại 20 năm đầu tư ra nước ngoài
Trong giai đoạn 1989, không lâu sau khi thực hiện cải cách, mở cửa - 1998, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 22/1999/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài, cả nước có 18 dự án đầu tư ra nước ngoài, tổng số vốn đăng ký đạt 13,6 triệu USD. Từ năm 1999 đến năm 2005, có thêm 131 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 560 triệu USD, tăng gấp 7 lần về số dự án và hơn 40 lần về tổng vốn đầu tư đăng ký giai đoạn trước đó. Sau khi Nghị định 78/2006/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài ra đời đến hết năm 2008, số dự án đầu tư ra nước ngoài tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, vươn lên 221 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt 3,36 tỷ USD.
Các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, trong đó có một số dự án quy mô vốn lớn (hơn 100 triệu USD) gần đây như Thủy điện Xekaman 3 tại Lào (tổng vốn đầu tư 273 triệu USD), thăm dò khai thác dầu khí tại Angiêri (tổng vốn đầu tư 243 triệu USD), tại Mađagátxca (tổng vốn đầu tư khoảng 117 triệu USD)... Lĩnh vực quan trọng thứ hai là nông - lâm - ngư nghiệp - vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Phần lớn dự án là trồng cao su, cây công nghiệp (tại Lào).
Lĩnh vực dịch vụ cũng trở thành "điểm đến" hấp dẫn của dòng vốn này với số dự án ngày càng tăng, số vốn ngày càng lớn. Chẳng hạn, cách đây chưa lâu, Công ty Viễn thông quân đội Viettel đã đầu tư sang Campuchia 27 triệu USD để khai thác mạng viễn thông di động; Công ty cổ phần Đầu tư Việt - Xô đầu tư 35 triệu USD xây dựng văn phòng cho thuê tại Nga... Ngoài ra, có thể kể đến dự án đầu tư sang Xingapo để đóng mới tàu chở dầu với tổng vốn đầu tư 21 triệu USD.... Bên cạnh đó, còn hàng loạt dự án tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...
Hầu hết doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai thực hiện dự án. Nhiều doanh nghiệp đã và đang hoạt động có hiệu quả.
Xu thế tất yếu
- Người dân Lào sử dụng dịch vụ mạng viễn thông của Unitel (Liên doanh giữa Lao Asia Telecom và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel. Ảnh: Xuân An
Đầu tư ra nước ngoài là xu thế tất yếu, đồng thời là lựa chọn phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay nhằm tận dụng có hiệu quả tài nguyên tại chỗ (địa bàn tiếp nhận dòng vốn đầu tư), mở rộng thị trường, cũng như đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị hình ảnh Việt Nam. Tháng 2-2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài". Đây được xem như "bệ phóng" cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài với quy mô và tầm nhìn mang tính chiến lược. Đề án đặt mục tiêu thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhằm chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường các biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; đồng thời quản lý có hiệu quả hoạt động này, đặc biệt là đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ cũng định hướng doanh nghiệp không chỉ tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế Việt Nam trong đầu tư vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các nước trong khu vực, Nga... mà còn từng bước mở rộng đầu tư sang các nước, thị trường mới như Mỹ La tinh, Đông Âu, châu Phi...
Ngay sau khi đề án này được phê duyệt, nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo đầu tư ra nước ngoài của dòng vốn Việt Nam sẽ bùng nổ.
Triển vọng nhiều, nhưng cũng không ít trở ngại
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2009, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 7,2 tỷ USD, với tổng số 457 dự án, lớn hơn rất nhiều so với cả chặng đường đầu tư ra nước ngoài 1989-2008. Dòng vốn Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã được "định vị" tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
7,2 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài năm 2009 là con số kỷ lục. Riêng tại "Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam vào Campuchia" diễn ra cuối tháng 12-2009, đã có gần 6 tỷ USD vốn cam kết của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang nước bạn. Theo đánh giá, năm 2009 là một điểm sáng về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam trong suốt 20 năm thực hiện đầu tư ra nước ngoài 1989-2009. Các doanh nghiệp Việt Nam đã không chỉ duy trì, mở rộng những thị trường truyền thống mà còn khai phá thành công một số thị trường mới. Không chỉ thay đổi về lượng mà đầu tư ra nước ngoài còn chuyển biến về chất khi nhiều dự án chuyển từ quy mô nhỏ, ngành nghề đơn giản, sang các dự án quy mô lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý và hoạt động...
Lào, Campuchia, Nga, Angiêri… vẫn là điểm đến thu hút doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh các lĩnh vực khai khoáng, trồng rừng, thủy điện, viễn thông, xây dựng hạ tầng… doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển hướng sang các lĩnh vực hàng không, ngân hàng, bảo hiểm… Bên cạnh những điểm đến lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng hướng đến những thị trường khác phát triển hơn, thậm chí là địa bàn vốn "thuộc" các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Mỹ…
"Làn sóng mới" trong đầu tư ra nước ngoài đã xuất hiện. Đề án "Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài" do Chính phủ phê duyệt đã tạo ra một động lực mạnh mẽ. Theo các chuyên gia về đầu tư nước ngoài, trong khoảng 5-10 năm nữa, những "miền đất mới" cũng như "điểm đến truyền thống" sẽ chứng kiến sự "bùng nổ" của các doanh nghiệp Việt Nam… Tuy nhiên, trở ngại cho hoạt động này còn không nhỏ. Doanh nghiệp Việt Nam tuy đông đảo về số lượng song hầu hết yếu về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý còn hạn chế nên khả năng cạnh tranh sẽ gặp nhiều khó khăn. Số dự án và quy mô vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài còn nhỏ, kinh nghiệm còn hạn chế. Trong khi đó, khác với tập quán của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản hay quy tắc hoạt động của các tập đoàn xuyên quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam lại thường hoạt động riêng lẻ, thiếu cơ chế liên kết cũng như cập nhật thông tin tại địa bàn sẽ đầu tư...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.