(HNM) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 3767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa, trong đó phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20-25% trong khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch. Đề án này nhằm mục đích định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam, phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch, tạo sự bền vững cho ngành “công nghiệp không khói”.
Khai thác tối đa thế mạnh
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, trên thế giới, du lịch văn hóa từ lâu là dòng sản phẩm du lịch cơ bản. Đặc biệt đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có chiều sâu văn hóa đo bằng hệ thống di sản đậm đặc như nước ta, thì du lịch di sản trở thành một trong những thế mạnh nổi trội. Hiện tại, nhiều địa phương đã khai thác tốt thế mạnh này, coi di sản là cốt lõi để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch tham quan, trải nghiệm…
Đến nay, cả nước đã có 28 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản thế giới. Trong đó có 8 di sản thiên nhiên và di sản văn hóa vật thể (Vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, quần thể danh thắng Tràng An, thành Nhà Hồ, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn); 13 di sản văn hóa phi vật thể (nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ, lễ hội Gióng, ca trù, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, nghi lễ kéo co, đờn ca tài tử Nam Bộ, bài chòi Trung Bộ, hát Then) và 7 di sản tư liệu (mộc bản Triều Nguyễn, châu bản Triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê, Mạc, hệ thống thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế, mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ). Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều danh hiệu được UNESCO trao tặng nhất cũng như sở hữu nhiều di tích nhất, với gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa…
Đánh giá tiềm năng, thế mạnh của các di sản trong phát triển du lịch Thủ đô, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, khẳng định, đây là nguồn lực to lớn để thành phố xây dựng các sản phẩm du lịch truyền thống cũng như sản phẩm du lịch mới, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của cả khách nội địa và quốc tế. Thực tế, các di sản của Hà Nội hiện đang được khai thác tối đa, thậm chí đang được nhiều công ty lữ hành đẩy mạnh phát triển, tạo nên dòng sản phẩm du lịch nổi trội. Mới đây, Công ty Lữ hành Hanoitourist đã phối hợp với Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò và Hoàng thành Thăng Long xây dựng tour khám phá về đêm. Một số địa phương cũng tập trung phát huy giá trị di sản, di tích để trở thành điểm nhấn du lịch, như: Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì), lễ hội Gióng (huyện Sóc Sơn và huyện Gia Lâm)…
Hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia
Mặc dù là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, nhưng việc khai thác các di sản vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, du lịch đại trà đã và đang có những tác động tiêu cực tới di sản. Nhiều nơi xảy ra hiện tượng khai thác thương mại hóa quá mức, xâm hại di sản, phục dựng sai quy cách…
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, không phải di sản nào cũng được các địa phương khai thác tốt phục vụ cho du lịch. Phần lớn các địa phương mới tập trung phát huy thế mạnh của di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, còn văn hóa phi vật thể vẫn chưa khai thác tương xứng tiềm năng. Hiện, chỉ có một số địa phương làm tốt việc khai thác thế mạnh di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịch, là: Tỉnh Thừa Thiên - Huế phát huy di sản nhã nhạc cung đình, tỉnh Bắc Ninh với di sản quan họ… “Nhiều địa phương vẫn loay hoay trong việc bảo tồn, phát huy di sản, thiếu kế hoạch cụ thể trong việc đưa di sản vào cuộc sống”, ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Còn theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, thành phố sẽ đẩy mạnh việc quản lý di sản bằng áp dụng công nghệ, số hóa các dữ liệu, đồng thời khuyến khích các địa phương, đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch mới dựa trên giá trị di sản vốn có; tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, tăng tính trải nghiệm để thu hút, hấp dẫn du khách hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, để khai thác tiềm năng di sản hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, các địa phương cần có kế hoạch, chiến lược dài hạn trong việc quy hoạch lại hệ thống di sản và phải gắn giá trị văn hóa truyền thống với quy hoạch phát triển du lịch. Ngoài ra, các địa phương cần lựa chọn sản phẩm du lịch phù hợp với di sản; phát triển du lịch có trách nhiệm, gắn với văn hóa cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.