(HNM) - Trung Kính Thượng trước là ngoại ô, nay thuộc quận Cầu Giấy. Làng có ngôi đình cổ, được công nhận Di tích lịch sử năm 2008, có thể coi là di vật chứng kiến quá trình dựng nước và giữ nước từ đời Hùng Vương thứ 18 đến sau này. Đình thờ hai vị Thánh hiền, thần phả còn lưu lại cho thấy khá rõ công tích.
Người thứ nhất là Quốc Vương đại thần - Hùng Công, tên thật là Hùng Nộn. Đời vua Hùng thứ 18 Duệ Vương lên ngôi, đóng đô ở bên sông Bạch Hạc Việt Trì, đặt tên nước là Văn Lang, kinh đô là thành Phong Châu. Duệ Vương tài cả chí cao, gồm đủ thông minh thánh triết, trong nước sửa sang văn đức, bên ngoài phòng bị biên cương. Thuở ấy chủ trưởng Ô Châu là Hùng Độ lấy vợ là Mặc Thị Viên, người khiêm cung từ ái, ngày 10 tháng 2 năm Đinh Mùi sinh con trai mặt vuông tai lớn, mắt phượng, lòng bàn tay có chữ "Vương", đầu ngón chân cái có 7 sợi lông dài hơn một tấc. Vào lúc Ngài đang sinh có ba tiếng sấm lớn, gió mưa bỗng nổi lên ầm đến một giờ mới tạnh, hào quang rực rỡ, trong buồng hương thơm ngào ngạt. Sau khi sinh được 100 ngày, đặt tên Nộn. Khi Quán chủ băng, Hùng Nộn kế tập làm chủ trưởng Ô Châu, còn gọi "Nộn Công", do đức chính có thừa mà được anh hùng bốn biển quy phục.
Cuối thời Hùng, thế nước sắp mất, Duệ vương sinh 20 hoàng tử đều lần lượt quy tiên, chỉ còn hai con gái. Công chúa Tiên Dung gả cho Chử Đồng Tử, nàng thứ là Mỵ Nương Ngọc Hoa dáng vẻ chim sa cá lặn. Vương đành kén rể hiền để nhường ngôi. Thánh Tản Viên là người quê ở động Lăng Sương, huyện Thanh Châu, phủ Gia Hưng xứ Sơn Tây và Long Quân hồ Động Đình cùng đến thành xin thi tài. Vua ngự xe đến xem thấy hai người đều thuộc loại tài lạ thuật kỳ tương đương nhau, phán bảo: "Người nào mang sính lễ đến trước trẫm sẽ gả Mỵ Nương cho". Tản Viên đến trước nên được thành hôn cùng Mỵ Nương. Thủy Tinh chậm bước, không được gả, trong lòng sinh hận thù thường hay dâng nước đánh nhau với Sơn Thánh Tản Viên để báo thù nhưng không thắng được. Bấy giờ Thục Vương (tức chúa bộ Ai Lao cũng là dòng dõi họ Hùng) nghe tin, bèn đem 10 vạn hùng binh đến xâm phạm Nam Giao. Biên cương cấp báo, Nộn Công được sai đem quân tuần giữ miền biên cương. Ngày 12 tháng 6, Ngài tiến quân tới vùng Kính Chủ huyện Từ Liêm, nhân dân làm lễ đón mừng. Thấy vùng đất ấy thông được với cả ba xứ Đoài, Bắc và Nam, mà Từ Liêm là Nội trung độ, lại thấy địa hình tiện lợi, đường thủy thông đi các nơi, Ngài bèn truyền lệnh cho dân và quân lính xây dựng doanh trại đồn binh để phòng chống quân Thục cả ba mặt.
Đất Kính Chủ có nhà giàu, chồng là Nguyễn Đức Ngôn, vợ là Trương Vị Quốc sinh được một người con gái nhan sắc xinh đẹp. Chủ trưởng Ô Châu ngỏ lời, được thuận lòng gả, bèn sắm sửa sính lễ đón nàng về sở quan tại Kính Chủ, lập làm đệ nhị phu nhân và lưu quân đóng đồn ở đấy. Được gần một năm, quân dân, già trẻ trong làng đều rất vui, xóm ấp đều phong lưu thịnh vượng.
Quân Thục tiến đến Mộc Châu và Châu Quỳnh Nhai dựng đồn lũy lớn, trồng cột cờ, đặt trống lớn, uy hiếp các đạo Sơn Nam, Nam Chân, Hải Dương, Kinh Bắc. Sơn Thánh Tản Viên bèn xin được đi giết giặc, đạo quân chính tiến thẳng tới Quỳnh Nhai, Mộc Châu đánh vào trại đồn chính, quân Thục phải tan, bắt sống nhiều quân tướng. Một đạo khác, trong đó có 142 người ở Kính Chủ, do chủ trưởng Nộn Công chỉ huy tiến đến Lạng Sơn, chia làm 3 ngả đánh một trận lớn, quân Thục thua chạy. Các đạo quân chinh phạt vùng khác cũng đều quét sạch địch, dâng biểu tâu thắng trận. Vua nghe rất mừng, ngay lập tức khao thưởng, thăng chức tướng sĩ ba quân, công thần lớn nhỏ. Nộn Công được phong Bảo Quốc hầu, ngụ tại Kính Chủ, cho ở đất ấy làm "Hộ nhi Hương", thưởng thêm 100 nén vàng. Từ đấy vua tôi hợp sức, thiên hạ thái bình.
Được vài năm chúa Thục vẫn tâm thù bèn cầu viện các nước láng giềng đem binh cùng tiến vào các châu biên viễn. Nộn Công cùng các tướng nhận lệnh đem quân chặn, trận đầu vào đồn nguyên soái địch đã thắng to. Sơn Thánh dùng mẹo lừa quân Thục, đánh một trận quyết chiến, thu được ấn, quân Thục thua to bỏ chạy về bản quốc. Ngày chiến thắng (12 tháng 10) Nộn Công đem quân trở về đến địa phận Châu Hoan, bỗng nhiên không ốm tự hóa. Duệ Vương vô cùng thương tiếc, khen phong mỹ tự Quốc Vương Đại Thần, ban cho đất Kính Chủ mũ áo để phụng thờ. Từ đó đệ nhị phu nhân cắt tóc quy y đạo Phật tại chùa làng ở Nam Sơn, về sau hóa được dân phụng thờ cùng Ngài. Từ đây nơi thờ Ngài rực rỡ huy hoàng, đèn hương nghi ngút, cầu đảo tỏ rõ linh ứng.
Thời Lê Đại Hành cự Tống, một đạo quân tướng đến đền thờ ở Kính Chủ làm lễ cầu âm phù giúp nước đánh giặc thành công. Ngài hiển ứng ngầm theo mà thắng, được Đại hành Hoàng Đế khen tặng mỹ tự "Uy Dũng Đại Thần".
Khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi sai Nguyễn Trãi đến đền thờ Ngài mật cầu âm phù giúp nước. Ban đêm, Nguyễn Trãi nằm mộng thấy binh mã vào xin cùng đánh giặc, tỉnh dậy biết đã ứng nghiệm. Khi dẹp được giặc, Lê Lợi phong mỹ tự "Linh Ứng Hùng Lược".
Trải các đời sau, Ngài đều tỏ rõ linh nghiệm giúp nước, an dân, được truy phong mỹ tự. Việc thờ cúng Thần được sắp xếp như sau: Sinh 14 tháng 2, lễ dùng trâu, bò, lợn đen, xôi rượu, ca hát, đánh cờ đấu vật. Ngày hóa 12 tháng 10, lễ dùng trâu, bò, bánh dày, xôi cơm rượu. 10 tháng 2 chính lễ khánh hạ Đại Vương, cỗ chay 3 mâm, thịt lợn, xôi rượu, cơm, ca hát. 12 tháng 3 chính lễ khai sắc khánh hạ, 5 mâm xôi gà, thịt lợn đen, rượu cơm ca hát. 2 tháng 6 chính lễ hội dân khánh hạ, thịt lợn đen, xôi rượu, ca hát một ngày.
Người thứ hai được phối thờ trong đình là Trịnh Thị Ngọc Nghiêu. Thần tích cho biết bà là chính phu nhân quan trọng thần triều hậu Lê là Đô Đốc Đồng Tri, đêm thanh vắng thường mơ thấy Thiên Đế ban tứ cho dân thôn Thượng xã Kính Chủ huyện Từ Liêm làm dân thế nghiệp. Nhân đó bèn hứa cấp cho bản thôn 100 quan tiền cổ, 5 mẫu ruộng ở các xứ đồng. Hiện tại còn minh ước ở trong bia đá làm hậu thần của bản thôn… Ngày 3 tháng 6 năm sau bản thôn có lệ làm lễ hạ điền cầu phúc ca hát thờ thần. Hôm ấy qua hậu thần đến miếu làm lễ, vừa đến miếu sở không bệnh bỗng mất. Từ đấy về sau miếu này rất linh thiêng. Bản thôn nêu rõ sự việc đề đạt lên vua, kính vâng được phong tặng là Thiệu Nghĩa Hoằng ân Đại Vương. Các triều kế tiếp đều có gia phong mỹ tự, hằng năm vào tháng 2 là kỳ lễ nhập tịch kỳ phúc, vâng nghênh rước cùng phối thờ với bài vị Đức Linh thần Đương Cảnh Thành Hoàng. Thiết nghĩ năm tháng trôi đi lòng người khó định, con cháu đời sau chớ làm trái với cái chí của tổ tiên để hưởng sự tốt lành, cầu cho dân khang vật thịnh. Nay làm phả ghi lại sự việc.
Theo dân địa phương và các vùng lân cận thì có tới 18 nơi thờ Hùng Nộn, đình Trung Kính Thượng là nơi thờ chính.
Các cụ xưa lại kể đình có từ thời Hùng Vương. Khi Ngài mới hóa, dân đặt tại bờ sông, sau chuyển về vị trí hiện nay, là nơi đầu tiên Ngài đặt doanh trại. Từ nhà mái lá đơn sơ, dân xây thành ngôi miếu nhỏ nguyên liệu chủ yếu là gạch vồ, hiện tại hậu cung vẫn còn có gạch này. Miếu còn tồn tại khá lâu sau được dân địa phương xây thành ngôi đình lớn, rất tiếc năm 1946 do tiêu thổ kháng chiến phá đi trung đường và nhà đại bái. Năm 1996 dân góp hơn 100 triệu đồng trùng tu, làm lại trung đường và nhà đại bái như hiện nay. Câu đối, hoành phi, đồ tế khí và hai cột cờ do dân địa phương và các nhà hảo tâm cung tiến. Theo cụ Ngạc Đình Văn, trưởng ban di tích đình, hiện đình còn giữ được khán thờ cổ, bát hương cổ và một chuông cao 80cm, đường kính 30cm có từ thời Lê cùng 14 đạo sắc phong của các triều vua.
Như vậy phía Tây nam kinh thành cũ có ngôi đình cổ Trung Kính Thượng, niềm tự hào của nhân dân hai làng Trung Kính. Ghi dấu ấn một thời dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, đây là một điểm nhấn tâm linh thật quý giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.