Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dinh Tổng thống M.Gaddafi bị san phẳng

Đình Hiệp| 22/03/2011 06:36

Phương Tây sẽ gia tăng hoạt động tấn công Libya * Dư luận quốc tế tiếp tục phản đối can thiệp quân sự (HNM) - Bất chấp việc quân đội Chính phủ Libya tuyên bố lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực từ 2h00 sáng 21-3 (giờ Hà Nội), rạng sáng 21-3, bầu trời thủ đô Tripoli vẫn sáng rực ánh lửa đạn súng phòng không, đánh dấu đêm thứ hai liên tiếp liên quân quốc tế tiến hành chiến dịch oanh kích nhằm vào Libya.

Một số phóng viên chiến trường cho biết, họ đã nghe thấy tiếng súng phòng không hạng nặng tại khu vực gần dinh thự của Tổng thống Muammar Gaddafi khi hàng loạt vệt lửa đạn sáng lòa xuất hiện trên bầu trời Tripoli kèm theo nhiều tiếng nổ lớn.

Tổng hành dinh của Tổng thống M. Gaddafi bị san phẳng.


Hãng AFP đưa tin, một quả tên lửa đã phá hủy hoàn toàn tòa nhà hành chính của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi ở thủ đô Tripoli. Nguồn tin khẳng định, tòa nhà này nằm cách nơi ông Gaddafi thường tiếp khách chỉ 50 mét đã bị san phẳng. Hiện chưa có tin về thương vong trong đợt tấn công trên.

Một người phát ngôn của Chính phủ Libya, ông Moussa Ibrahim nhấn mạnh: "Đây là một vụ đánh bom dã man, có thể làm thiệt mạng hàng trăm dân thường vì họ đang tụ tập cách đó chỉ khoảng 400m". Ông cũng lên án "sự mâu thuẫn trong các phát biểu của phương Tây" khi họ tuyên bố bảo vệ dân thường nhưng vẫn đánh bom vào nơi mà họ biết dân thường đang có mặt.

Thông tin mới nhất cho thấy, lực lượng trung thành với Tổng thống Muammar Gaddafi ngày 21-3 đã bị đẩy ra xa thành phố Benghazi do quân nổi dậy kiểm soát 100 km, sau khi các vụ không kích của phương Tây đã phá hủy nhiều xe bọc thép của lực lượng này. Cùng ngày, một người phát ngôn của quân nổi dậy cho biết các lực lượng của ông Gaddafi đang sử dụng thường dân ở các thị trấn gần thành phố Misrata làm "lá chắn sống". Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác minh và hiện chưa có bình luận gì từ phía các quan chức Chính phủ Libya.

Làn sóng phản đối tấn công Libya ngày càng rộng
Việc liên quân phát động chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào Libya tiếp tục gây làn sóng phản đối mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 21-3 nhiều nước lên tiếng yêu cầu chấm dứt sự can thiệp quân sự này. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 21-3 kêu gọi "chấm dứt sớm nhất có thể" hành động can thiệp quân sự đa quốc gia ở Libya. Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO khiến tổ chức này trong cuộc họp ngày 20-3 đã không nhất trí được về sự tham gia của khối này vào chiến dịch quân sự chống Libya.

Ngày 21-3, Thủ tướng Nga V.Putin tuyên bố chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi không đáp ứng các tiêu chuẩn dân chủ, song đó không thể là cái cớ để các nước khác can thiệp vào xung đột chính trị nội bộ ở Libya. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cùng ngày tuyên bố nước này "có nhiều lý do" để không tham gia các hành động quân sự chống lại Libya. Phát biểu khi đến Brussels (Bỉ), tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), ông Westerwelle cho biết, Berlin đã quyết định không tham gia sau khi tính đến những rủi ro; đồng thời nhấn mạnh rằng Liên đoàn Arập (AL) đã phê phán hành động can thiệp quân sự.

Bộ Ngoại giao Belarus tối 20-3 cũng ra tuyên bố yêu cầu chấm dứt ngay lập tức mọi hành động quân sự chống Libya. Tuyên bố khẳng định, các cuộc không kích bằng bom và tên lửa xuống lãnh thổ Libya đang vượt khỏi khuôn khổ nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ và đi ngược lại mục đích chính được ghi trong nghị quyết này. Trong khi Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh, yêu cầu cấp thiết là tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến trình chính trị dân chủ, hòa bình tại Libya, ngăn chặn bạo lực và xung đột.

Chính phủ Cuba ra tuyên bố lên án mạnh mẽ sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào mâu thuẫn nội bộ Libya. Cuba cáo buộc các thế lực phương Tây đã âm mưu tạo cớ để xâm lược Libya và khẳng định những thế lực này phải chịu trách nhiệm về những thương vong mà họ gây ra đối với dân thường Libya cũng như những thương vong mà họ đã gây ra trong các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Tuyên bố kêu gọi thúc đẩy đối thoại và ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của người Libya trước sự can thiệp từ bên ngoài.

Tên lửa được phóng đi từ tàu chiến của Mỹ nhằm vào Libya.

Phương Tây gia tăng hoạt động tấn công Libya
Bất chấp việc dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ hành động quân sự nhằm vào Libya, các thông tin từ Anh, Pháp cho thấy phương Tây dự định gia tăng hoạt động tấn công đất nước này. Bộ Quốc phòng Anh thông báo sẽ huy động hai tàu khu trục loại nhỏ của Anh là HMS Wesminter và HMS Cumberland, triển khai máy bay đến một căn cứ quân sự ở Italia để chuẩn bị tham gia đợt tấn công Libya mang tên "Chiến dịch Ellamy". Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm, tàu ngầm của nước này sẽ tiếp tục bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào hệ thống phòng không của Libya. Trong khi Mỹ đã quyết định tung siêu máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit tham gia tấn công các căn cứ quân sự của quân đội Libya. Đây là loại máy bay ném bom tàng hình hiện đại bậc nhất thế giới và cũng là chiếc máy bay đắt đỏ nhất thế giới với đơn giá lên đến 2,2 tỷ USD.


Phát ngôn viên Bộ Tham mưu quân đội Pháp, Đại tá Thierry Burkhard cho biết, Paris đã triển khai hơn 15 máy bay tấn công các mục tiêu mặt đất của Libya trong ngày 20-3. Pháp cũng xác nhận đã cử một loạt tàu đến Libya trong đó có ba tàu khu trục nhỏ, một tàu chở nhiên liệu và tàu sân bay Charles de Gaulle với thủy thủ đoàn 2.000 người.

Tuy nhiên, nội bộ châu Âu vẫn tiếp tục chia rẽ về vấn đề Libya. Ngày 20-3, Tổng thống Síp Demetris Christofias tuyên bố phản đối việc sử dụng những căn cứ quân sự Anh tại khu vực Địa Trung Hải để tấn công Libya. Ông cũng thừa nhận rằng trong cuộc họp bất thường mới nhất, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã không đạt được nhất trí về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Libya.

Trong một diễn biến mới nhất, Qatar đã quyết định tham gia chiến dịch quân sự tại Libya bằng việc điều động 4 máy bay chiến đấu. Đây là quốc gia Arập đầu tiên tham gia can thiệp quân sự vào Libya. Ngày 20-3, các đại sứ của 28 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí về kế hoạch cấm vận vũ khí đối với Libya và một quan chức NATO nói rằng, NATO sẽ thảo luận thêm khả năng sử dụng máy bay chiến đấu và tàu để ngăn chặn việc tiếp tế vũ khí cho lực lượng quân đội Libya.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dinh Tổng thống M.Gaddafi bị san phẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.