Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định rõ một hướng đi

Bình Nguyên| 29/02/2016 06:10

(HNM) - Sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao; mở rộng các vùng chuyên canh, các vành đai xanh, các tuyến nông nghiệp sinh thái và xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch là hướng đi tất yếu cho phát triển nông nghiệp Hà Nội.

Hướng đi tất yếu đó đòi hỏi những điều kiện nhất định. Trước hết, có thể dẫn ra một vài thông tin để tham chiếu, phân tích.

Mới đây, tại Viện Nghiên cứu rau quả (Gia Lâm, Hà Nội), một trung tâm hợp tác nông nghiệp thông minh - ứng dụng công nghệ điện toán đám mây - sản xuất cà chua, xà lách, đã được khai trương. Ở mô hình này, quy trình canh tác được điều khiển từ xa và tự động hóa, do đó tiết giảm sức lao động, tránh được sâu bệnh, cho ra sản phẩm chất lượng: Cà chua có hàm lượng dinh dưỡng cao, xà lách có thể ăn ngay mà không cần rửa... Sau giai đoạn thử nghiệm, mô hình này sẽ được "chuẩn hóa" để các doanh nghiệp, tổ chức hợp tác triển khai rộng rãi.

Nếu không "được triển khai rộng rãi", bản thân mô hình này không có mấy giá trị (kinh tế); còn khi "nhân rộng", hiệu quả (kinh tế) sẽ phát huy, nhất là ở quy mô phù hợp, chẳng hạn như hình thành vùng sản xuất.

Còn tại cuộc họp bàn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao được tổ chức cách đây chừng một tuần, Sở NN&PTNT Hà Nội đưa ra thông tin rất đáng chú ý: Từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ lấp đầy khu nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng ít nhất 1-2 vùng nông nghiệp công nghệ cao trong mỗi lĩnh vực.

Nếu như xem việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp (theo hướng hàng hóa) là mục tiêu, là hướng đi tất yếu thì công nghệ (phục vụ sản xuất nông nghiệp) vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.

Vậy thì đâu là lợi thế đối với sự phát triển nông nghiệp Hà Nội một cách bền vững? Thực tế cho thấy, 5 năm qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đạt nhiều kết quả tích cực, bình quân ước tăng 2,4%/năm, giá trị sản xuất đã đạt 231 triệu đồng/ha đất canh tác; nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất, bảo đảm hiệu quả, bền vững đang từng bước định hình; hiện đã có một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao... Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại những thay đổi to lớn đối với nông nghiệp - nông thôn và đời sống nông dân... Đáng chú ý, kết quả dồn điền, đổi thửa (đạt trên 97% những diện tích có thể dồn đổi) đã tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm... Bên cạnh đó là lực lượng doanh nghiệp đồ sộ, nguồn nhân lực có trình độ (trong tương quan so sánh với các địa phương). Đây là "đặc thù" mà ít địa phương nào có.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh chưa được nhân rộng; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất chưa cao, kết quả ứng dụng công nghệ cao và tạo thành chuỗi giá trị còn hạn chế... Những rào cản, vướng mắc đã được các cấp, các ngành chỉ rõ: Doanh nghiệp "than" cơ chế, chính sách, nhất là đãi ngộ, chưa đủ; người nông dân không đủ vốn, trình độ còn hạn chế; sự phối hợp giữa doanh nghiệp với nông dân đặt ra không ít vấn đề...

Hiện tại, Hà Nội đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao; đã có nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, hoa, cây ăn quả chất lượng cao, giá trị sản xuất lớn, đạt 1-2 tỷ đồng/ha. Những vùng hoa có tiếng ở quận Bắc Từ Liêm, huyện Mê Linh; vùng sản xuất rau an toàn ở Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức; vùng chăn nuôi bò tập trung ở Ba Vì, Gia Lâm, Đông Anh; chăn nuôi gia cầm ở Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ…; thủy sản ở Thanh Trì, Ứng Hòa; lúa chất lượng cao ở Chương Mỹ, Thanh Oai… là những minh chứng cho thấy tính đúng đắn của "hướng đi tất yếu" đã đề cập.

Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tất yếu phải gắn liền với cơ giới hóa, đặc biệt là ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao. Hướng đi đã định hình này cần được đẩy mạnh hơn nữa để mang lại hiệu quả tích cực, tương xứng với vị thế quan trọng của nông nghiệp đối với nền kinh tế. Trong quá trình này, Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp hay người dân mà chỉ có thể tạo ra chính sách hỗ trợ phát triển và đóng vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp - nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định rõ một hướng đi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.