Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đỉnh nào cho giá dầu?

Vân Khanh| 12/04/2011 08:05

(HNM) - Đó là câu hỏi dành cho Libya vào thời điểm này khi mỏ dầu ngọt nhẹ hiếm có của thế giới trở thành chiến trường khốc liệt trong làn gió


Giao tranh tại trung tâm dầu mỏ Libya đã đẩy giá dầu tăng cao.


Trên bảng điện tử của sàn giao dịch hàng hóa New York, những điểm cộng trong 4 phiên giao dịch liên tiếp đưa giá dầu ngọt nhẹ lên mức cao nhất trong vòng hai năm rưỡi qua: 113,46 USD/thùng. Bên kia Đại Tây Dương, dầu Brent cũng tăng 25 cent so với phiên chốt tuần để khép lại các hợp đồng ở mức 126,9 USD/thùng.

Những niềm vui khi giá dầu bất ngờ giảm nhẹ vào giữa tuần trước khi Trung Quốc, quốc gia vừa thay thế Mỹ giữ vị trí quán quân về tiêu thụ năng lượng thế giới, tăng lãi suất cơ bản lần thứ tư, thêm 0,25% lên 3,25% để kiềm chế lạm phát thoáng qua rất nhanh. Giá dầu thô lại vượt lên khi tin tức chiến sự cho thấy cuộc tranh giành quyền lực sinh tử tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ số 1 châu Phi đã lan tới những trung tâm dầu lửa chủ chốt. Không chỉ mỏ dầu lớn nhất Libya Al-Sarir bị quân Chính phủ Libya tấn công, các giếng dầu dồi dào tại Messla cùng hệ thống đường ống dẫn dầu từ Al-Sarir đến cảng Tobruk ở Địa Trung Hải cũng hư hỏng nặng sau những cuộc phản công của lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã thành đòn bẩy đưa giá dầu ngọt nhẹ và Brent kết thúc cuối tuần qua với mức tăng tương ứng là 2,3% và 3,2%. Những đồn đoán về một cuộc phân chia Đông - Tây ở Libya sẽ nhanh chóng thu về một mối với sự yểm trợ của phương Tây dưới bầu trời của một "vùng cấm bay" đang chứng kiến một thực tế: đội quân sa mạc của nhà lãnh đạo M.Gaddafi là không dễ bị đánh bại. Điều này không chỉ gây một cú sốc phản vệ khi nhà cung cấp dầu chất lượng cao nhất thế giới lâm vào vòng xoáy nội chiến, mà còn đẩy thị trường năng lượng toàn cầu vào cơn sốt khó hạ nhiệt khi trận chiến "được ăn cả, ngã về không" ở Libya chưa thể hạ màn. Thị trường đang phải làm quen với điều không mong muốn là những thùng dầu thô chất lượng cao của Libya sẽ còn thiếu vắng trên thế giới trong một thời gian không xác định. Năng lực sản xuất đã giảm tới 84% và mức sản lượng thoi thóp 250.000 đến 300.000 thùng/ngày như hiện nay là dự báo không lạc quan về nguồn cung dầu thô trên thế giới trong tương lai gần.

Nguy cơ căng thẳng cung - cầu còn bị bóng đen bao trùm do những rối loạn chính trị ở một loạt cửa ngõ vùng Trung Đông - châu Phi trải dài từ Yemen, Syria đến Cote d'Ivoire và Nigeria. Cho dù đã được bù đắp đáng kể sau quyết định tăng sản lượng từ Saudi Arabia - quốc gia hiện đang đáp ứng phần lớn nhu cầu dầu lửa nhưng thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đang bấp bênh và những rủi ro tiềm tàng do biến động chính trị khiến giá của loại nhiên liệu hóa thạch này khó điều chỉnh theo hướng đi xuống.

Giữa nhiều lo lắng về khả năng giá dầu còn tăng trong ngắn hạn khi thế giới Arab chưa đi qua giông bão chính trị, cũng có những lạc quan cho rằng giá năng lượng sẽ ổn định vào cuối năm nay khi e ngại về sự biến dạng đường đồ thị cung bị xua tan. Thế nhưng, trước khi điều đó xảy ra, một câu hỏi đang được quan tâm nhất hiện nay là giá dầu sẽ còn chinh phục những đỉnh cao nào? Như vậy, những cảnh báo về việc dầu tăng giá sẽ cướp đi những phần trăm tăng trưởng vốn rất khó khăn của các nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hiện hữu.

Rõ ràng, cuộc chiến tại Libya đang khiến nỗ lực ghìm đà tăng giá dầu của nhiều quốc gia mà còn tác động mạnh đến cơn bão lạm phát đang hoành hành khắp hoàn cầu. Mức giá dao động từ 90-100 USD/thùng mà Kuwait - một quốc gia nòng cốt của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa đưa ra đã trở thành niềm hy vọng của nhiều chính phủ trước cơn bão giá đang từng ngày đẩy thêm nhiều "thần dân" vào vòng vây nghèo đói. Thế nhưng, đây mới chỉ là một đề xuất đơn lẻ và khi cuộc chiến tại Libya vẫn tiếp diễn; đồng thời các nguồn cung - trong đó có Kuwait chưa có dấu hiệu tăng sản lượng thì người tiêu dùng sẽ phải thích nghi hơn nữa với những đỉnh cao mới của giá dầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đỉnh nào cho giá dầu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.