(HNM) - Hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo nghề, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng đòi hỏi công tác đào tạo nghề cần phát triển cả chất và lượng. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội luôn chú trọng hỗ trợ, định hướng việc tuyển sinh, đào tạo nghề linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, bảo đảm cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,2%
- Xin bà cho biết, vai trò của nguồn nhân lực qua đào tạo nghề đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội?
- Nhiều nghiên cứu chỉ rõ, việc phát triển kỹ năng lấy con người làm trung tâm có thể thúc đẩy tăng trưởng thêm GDP (tổng sản phẩm quốc nội) từ 0,5% đến 2%. Vì thế, nhân lực qua đào tạo, vững vàng kỹ năng nghề được đánh giá là “đơn vị tiền tệ mới” trên thị trường lao động toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhìn vào thực tế phát triển tại Hà Nội càng thấy rõ hơn, lực lượng lao động qua đào tạo là nguồn lực quý giá, là yếu tố có vai trò quyết định sự phát triển toàn diện của doanh nghiệp, đơn vị, địa phương. Tại các phiên giao dịch việc làm diễn ra gần đây, nhiều chủ sử dụng lao động sẵn sàng trả mức lương thỏa đáng để có được người lao động đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Còn người lao động qua đào tạo, vững kỹ năng luôn có cơ hội tìm được việc làm tốt.
- Trước nhu cầu sử dụng nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề được các cơ quan chức năng triển khai ra sao, thưa bà?
- Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề linh hoạt và theo sát thị trường lao động là giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Trung bình mỗi năm, Hà Nội đào tạo nghề cho hơn 200.000 lượt người. Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 215.000 lượt người, vượt kế hoạch đề ra, đạt 9,45% tổng số lượng tuyển sinh của cả nước. Hoàn thành chương trình đào tạo, hơn 80% người lao động có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng tạo ra năng suất, thu nhập cao hơn. Đây cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Bằng chứng là, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội đã tăng từ 55% vào cuối năm 2015, lên 70,2% vào cuối năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48%…
- Không thể phủ nhận những kết quả đạt được, song công tác đào tạo nghề hiện nay vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bà có thể cho biết rõ hơn điều này?
- Số lượng người lựa chọn học nghề không ngừng tăng, nhưng so với quy mô dân số ở Thủ đô hiện nay là 8 triệu người, trong đó có hơn 4 triệu người trong độ tuổi lao động, thì số lao động học nghề hằng năm vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chưa đủ cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho thị trường lao động. Nguyên nhân là công tác phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa hợp lý; một số người dân còn nặng tâm lý muốn con, em mình học đại học. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động đổi mới, sáng tạo; hệ thống cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thời kỳ hội nhập, phát triển…
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng
- Để góp phần trang bị, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, giai đoạn 2021-2025, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ chuyển hướng hoạt động thế nào, thưa bà?
- Các cơ quan chức năng đang từng bước rà soát, sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn gắn kết, hợp tác toàn diện với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề.
Cùng với đó, Hà Nội huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng trường chất lượng cao tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín, như: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội… Nhiều ngành, nghề thị trường lao động đang cần như công nghệ ô tô, cơ điện tử, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, thiết kế đồ họa,… được xác định là nghề trọng điểm và tổ chức đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.
Nhằm phát huy sức mạnh nội lực, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, giúp người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp..., thích ứng kịp với sự thay đổi liên tục của thị trường lao động. Ngoài ra, đội ngũ gần 10.000 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố cũng luôn được quan tâm đào tạo để nâng cao trình độ…
- Cùng với sự đổi mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các bên liên quan cần làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo nghề?
- Theo tôi, các đơn vị, địa phương cần chủ động dự báo, cập nhật dữ liệu về lao động qua đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch tuyển sinh học nghề phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động, quá trình phát triển kinh tế - xã hội… Công tác phân luồng học sinh vào học nghề sau trung học cơ sở, trung học phổ thông cần được chú trọng, phân bổ chỉ tiêu hợp lý. Các xã, phường, thị trấn, tổ chức đoàn thể, các trường phổ thông cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực qua đào tạo nghề.
Về phía người sử dụng lao động, cần đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động và cần tuyển dụng lao động qua đào tạo. Đối với người lao động, cần chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng nghề nghiệp phù hợp…
- Với vai trò quản lý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2021 và những năm tiếp theo như thế nào, thưa bà?
- Khác với giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiến hành tư vấn, tổ chức tuyển sinh liên tục, tập trung cao điểm vào quý II hằng năm với nhóm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, quý III hằng năm với nhóm học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Để thu hút người học, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã yêu cầu các trường nghề phối hợp với các đơn vị, địa phương tư vấn tuyển sinh đến đông đảo phụ huynh, học sinh bằng nhiều hình thức. Các nhà trường tiến hành tuyển sinh đi liền với tuyển dụng.
Với nhóm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, theo kế hoạch, năm 2021, Hà Nội có hơn 110.000 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó, hơn 17.000 học sinh (tương ứng với 16%) học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được phân luồng vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề. Đây là nguồn đầu vào chất lượng, ổn định, nên ngay từ đầu năm 2021, các trường nghề trên địa bàn thành phố đã xác định rõ chỉ tiêu tuyển sinh hệ 9+, còn được biết đến là mô hình học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, vào học văn hóa trung học phổ thông song song với học nghề.
Với nhiều giải pháp đang được triển khai, năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu tuyển sinh được 220.500 lượt người và số lượng này tiếp tục tăng trong những năm tới. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố đạt từ 75% đến 80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55% đến 60%. Đó là giải pháp nền tảng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.