(HNM) - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến thăm không báo trước tới Afghanistan.
Tổng thống Mỹ B.Obama cùng người đồng cấp H.Karzai tại lễ ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược (SPA). |
Đúng một năm sau ngày thủ lĩnh Al-Qaeda, Osama bin Laden bị tiêu diệt, sự có mặt của Tổng thống B.Obama tại Kabul (2-5) được xem là bước quyết định khép lại cuộc chiến như một lời hứa trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống Mỹ đương nhiệm. Trước chuyến thăm tuyệt mật này, một số ứng cử viên đảng Cộng hòa đã không ít lần công kích kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan của ông B.Obama khi cho rằng nó chỉ nhằm tranh thủ cử tri trong năm bầu cử và về lâu dài có nguy cơ gây tổn hại cho an ninh của Mỹ. Đáp lại trong vai trò người kết thúc cuộc chiến chống khủng bố do người tiền nhiệm phát động cách đây hơn 10 năm, vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã lần đầu tiên có bài diễn văn từ nước ngoài gửi tới dân chúng Mỹ về một sứ mệnh đã kết thúc và không quên nhắc nhở cử tri Mỹ rằng, để một nước Mỹ an toàn hơn, chiến trường này không thể bị bỏ rơi.
Trong khi đó, với chính quyền thân phương Tây do ông H.Karzai lãnh đạo, chuyến thăm của người đứng đầu nước Mỹ và SPA đã gửi thông điệp tới Taliban và các nhóm quá khích trong khu vực rằng, chớ có trông đợi việc giành quyền kiểm soát sau khi 130.000 quân nước ngoài rút đi... Nhưng, với các nhà quan sát, thực tế không hoàn toàn như vậy. An ninh cho Afghanistan đến nay vẫn là dấu hỏi lớn. Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống B.Obama, tại thủ đô Kabul đã xảy ra một vụ đánh xe bom liều chết khiến Đại sứ quán Mỹ tại đây phải phát đi cảnh báo nhân viên "tìm nơi ẩn nấp và tránh xa các cửa sổ". Trước đó (28-4), phiến quân Taliban cũng đã tấn công tòa nhà văn phòng Tỉnh trưởng Kandahar, miền Nam Afghanistan, khiến hai nhân viên an ninh thiệt mạng, trong khi đó đồn cảnh sát ở tỉnh Badakhshan, Đông Bắc Afghanistan cũng bị đột kích khiến 4 sĩ quan thiệt mạng, 2 cảnh sát bị thương và ít nhất 16 cảnh sát bị bắt giữ... Mạng lưới khủng bố Al-Qaeda dù như rắn vừa mất đầu nhưng đã lan rộng không chỉ từ Afghanistan sang nước láng giềng Pakistan mà còn tới cả các nước Trung Đông, Châu Phi và Đông Nam Á.
Còn với những người dân Afghanistan, hơn 10 năm sau khi Mỹ và phương Tây lật đổ chế độ Taliban tại Afghanistan, cuộc sống của họ vẫn "dậm chân tại chỗ" nếu như không muốn nói là ngày một bi đát hơn. Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, sau năm 2014, ngân sách hằng năm của Afghanistan sẽ thiếu khoảng 7 tỷ USD. Quân đội nước này sẽ không thể chiến đấu nếu không có tiền trợ giúp từ nước ngoài. Trong khi đó, Afghanistan đã và đang trở thành "vựa" ma túy của thế giới. Chiến tranh, xung đột đã làm quốc gia này kiệt quệ. Theo ước tính, hiện Afghanistan đang cần khoảng 10 tỷ USD để hoàn thành quá trình xây dựng đất nước, như đẩy mạnh khai thác mỏ và mở rộng xuất khẩu...
Đã quá rõ về sự ngổn ngang của một Afghanistan sau chiến tranh. Chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống B.Obama dù có phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự hiện diện của Mỹ tại một khu vực quan trọng của thế giới với một đối tác chiến lược thì vẫn không có nghĩa là cuộc chiến ở Afghanistan đã hoàn toàn kết thúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.