Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 50% tiềm năng trí tuệ của một người được phát triển trong 4 năm đầu đời và sự can thiệp sớm ở thời thơ ấu có thể tác động lâu dài tới năng lực trí tuệ, tính cách và hành vi xã hội.
Toàn cảnh hội thảo |
Bên lề hội thảo “Dinh dưỡng khoa học giúp phát triển trí tuệ, tăng cường sức đề kháng và tiêu hóa tốt-Bé khỏe mạnh hơn và học hỏi tốt hơn” do Hội Nhi khoa Việt Nam và Abbott phối hợp tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 20-5-2017, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nhật An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhi khoa Việt Nam đã có trao đổi với phóng viên về các giải pháp giảm yếu tố gây cản trở khả năng học hỏi để giúp trẻ phát triển nhận thức tối ưu.
Thưa bác sĩ, đâu là những yếu tố chính gây cản trở sự phát triển nhận thức của trẻ trong những năm đầu đời?
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển nhận thức của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trong đó rất cần chú ý tới các bệnh nhiễm trùng và các vấn đề về tiêu hóa. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng dinh dưỡng, sự phát triển về thể chất, từ đó tác động đến sự phát triển nhận thức. Sự phát triển hệ thống tiêu hóa khoẻ mạnh có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của hệ thống miễn dịch, dung nạp, tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa và thần kinh, từ đó cũng giúp trẻ phát triển nhận thức tốt hơn.
Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn tại sao các yếu tố này ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ?
Não trẻ nhũ nhi cần 87% nguồn năng lượng / chuyển hóa của cơ thể, so với 44% lúc 5 tuổi, và 34% lúc 10 tuổi. Vì thế, nếu nguồn năng lượng buộc phải dùng cho các mục đích khác, chẳng hạn như chống chọi với nhiễm trùng, sẽ là sự hy sinh, ảnh hưởng tới sự phát triển ổn định của não bộ.
Khi trẻ có sức khỏe kém, cơ hội trải nghiệm, khám phá môi trường, yếu tố quan trọng cho sự phát triển nhận thức, cũng sẽ bị hạn chế.
Giải pháp nào giúp giảm thiểu các yếu tố cản trở việc học hỏi của trẻ?
Chúng ta cần biết là tình trạng sức khỏe của trẻ có liên quan tới cơ hội trẻ được trải nghiệm và khám phá - những hoạt động có thể tác động tới sự phát triển não bộ. Chứng cứ khoa học cho thấy, nếu làm giảm các yếu tố gây cản trở sự học hỏi của trẻ như bệnh tật, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng, các rối loạn chức năng tiêu hóa... sẽ giúp trẻ có nền tảng phát triển nhận thức, trí não tốt hơn.
Cần cho trẻ sơ sinh nguồn dinh dưỡng tối ưu là sữa mẹ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu giàu các dưỡng chất giúp trẻ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đồng thời, thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo, vệ sinh cá nhân và môi trường. Trường hợp trẻ cần bổ sung sữa công thức thì phải lựa chọn chủng loại đảm bảo an toàn và chất lượng. Đây là những giải pháp thực tiễn và hiệu quả giúp giảm thiểu trở ngại trong việc phát triển trí não trẻ.
Cũng tại hội thảo “Dinh dưỡng khoa học giúp phát triển trí tuệ, tăng cường sức đề kháng và tiêu hóa tốt-Bé khỏe mạnh hơn và học hỏi tốt hơn”, các chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa quốc tế đã giới thiệu nghiên cứu khoa học mới đây thực hiện bởi Abbott và Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng, Học hỏi và Trí nhớ về tầm quan trọng của lutein và vitamin E tự nhiên cho sự phát triển của não. Lutein, vitamin E tự nhiên cùng với DHA đã được tìm thấy ở những vùng não bộ quan trọng liên quan tới khả năng học hỏi. Sự kết hợp của lutein, vitamin E tự nhiên và DHA tạo ra nhiều kết nối thần kinh trong các tế bào não hơn so với một mình DHA. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.