(HNM) - Các nguồn tin từ Băng Cốc đêm 11-3 cho hay, một số nhóm "áo đỏ" ủng hộ cựu Thủ tướng lưu vong Thặcxỉn Xinvắt của Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) đã tụ tập xung quanh thủ đô Băng Cốc để chuẩn bị cho cuộc biểu tình (từ ngày 12 đến 14-3), được cho là lớn nhất từ tháng 4-2009 đến nay.
Trong khi đó, Chính phủ nước này cũng đã triển khai lực lượng an ninh gồm 50.000 người trên các đường phố của thủ đô Băng Cốc nhằm đối phó với tình trạng hỗn loạn và bạo lực. Các trạm kiểm soát dày đặc đã được lập ở trong và ngoại ô Băng Cốc. Những người biểu tình được khuyến cáo nếu đi vào các khu vực quân sự hoặc các đồn cảnh sát sẽ bị coi là những phần tử khủng bố và sẽ bị trấn áp bằng vũ lực. Những gì diễn ra trong 24 giờ qua cho thấy, Băng Cốc đang bước vào một "đợt nóng" mới.
Lực lượng an ninh Thái Lan đã được tăng cường tối đa tại thủ đô Băng Cốc từ ngày 11-3. |
Sắc đỏ của những người biểu tình quanh Băng Cốc 24 giờ qua dự báo những giờ nóng bỏng kể từ 0 giờ ngày 12-3 (giờ địa phương) với trái tim của Thái Lan. Theo kế hoạch của UDD, sáng nay (12-3), khoảng 600 nghìn người cùng 100 nghìn xe bán tải từ bốn vùng theo năm hướng sẽ cùng về thủ đô Băng Cốc để biểu tình với đỉnh điểm là ngày 14-3. Mục tiêu của cuộc tập hợp "áo đỏ" là lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Abịxịt và thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc. Ngoài ra, UDD còn huy động gần 5.000 người mặc áo đen, mang theo gậy tre để chuẩn bị cho cuộc biểu tình mà họ gọi là "tháng 3 lịch sử" này.
Căng thẳng leo thang trong bối cảnh Tòa án Tối cao (TATC) Thái Lan vừa phán quyết sung công hơn 46 tỷ bạt (tương đương 1,4 tỷ USD) trong khối tài sản bị phong tỏa trị giá 76 tỷ bạt (2,3 tỷ USD) của gia đình cựu Thủ tướng Thặcxỉn Xinvắt. Cho dù thủ đô Băng Cốc đã không xảy ra bạo lực trong "ngày phán quyết" 26-2, song quyết định trên của TATC như "lửa đổ thêm dầu" khiến phe "áo đỏ" gia tăng các hành động chống Chính phủ. Cuộc biểu tình lần này cho thấy, cho dù phán quyết của TATC như thế nào đi nữa cũng khó có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng đã bước sang năm thứ 5 ở Thái Lan.
Viễn cảnh thủ đô Băng Cốc ngập chìm trong sắc đỏ của những người biểu tình khiến người dân Thái Lan lo ngại tình trạng hỗn loạn tái diễn như hồi tháng 4-2009, khi gần 100 nghìn người "áo đỏ" làm ngưng trệ hầu hết các đường phố ở thủ đô. Trong "trận chiến cuối cùng" đó, UDD đã ra tối hậu thư yêu cầu Thủ tướng Abịxịt cùng một số quan chức Chính phủ phải từ chức vô điều kiện và giải tán Quốc hội để tiến hành cuộc bầu cử sớm. Song UDD đã không đạt được mục tiêu khi Chính phủ Thái Lan khi đó buộc phải áp dụng Luật An ninh nội địa (ISA) để bảo đảm an ninh cho Hội nghị cấp cao ASEAN 15. Thế nhưng, cuộc biểu tình lúc đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh cũng như nền kinh tế Thái Lan.
Mặc dù tuyên bố cuộc biểu tình sẽ diễn ra ôn hòa nhưng đại diện UDD cũng thừa nhận có khả năng xảy ra bạo lực. Điều này có cơ sở khi Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Thái Lan Xuthép Thauxuban vừa phải cảnh báo, khoảng 30 đến 40 khu vực ở thủ đô Băng Cốc có thể trở thành mục tiêu đánh bom.
Những gì đang diễn ra tại Băng Cốc hôm nay là một thử thách lớn với Thủ tướng Abịxịt. Vì thế, cùng với áp dụng ISA từ ngày 11 đến 23-3 ở Băng Cốc và một số quận, huyện thuộc 6 tỉnh, Thủ tướng Abịxịt còn chỉ định Phó Thủ tướng Côxắc Xabavaxu đứng ra đàm phán với lãnh đạo phe "áo đỏ". Chủ tịch Hạ viện Chai Chítchốp chiều 11-3 còn cho rằng, nếu được các bên liên quan nhất trí, tòa nhà Quốc hội có thể trở thành nơi diễn ra các cuộc đàm phán về những bất đồng chính trị giữa Chính phủ và phe "áo đỏ". Động thái này cho thấy, Thủ tướng Abịxịt đang đối mặt với một cuộc chiến "đường phố" hết sức căng thẳng.
Những gì diễn ra tại Băng Cốc từ đêm qua đến rạng sáng nay cho thấy, chính trường Thái Lan đang ẩn chứa nhiều tình huống phức tạp. Thủ đô Băng Cốc một lần nữa lâm vào bất an khi lực lượng "áo đỏ" khẳng định sẽ biểu tình cho đến khi đạt được mục đích cuối cùng. Đó là một cuộc bầu cử sớm cùng với sự trở lại chính trường của thủ lĩnh Thặcxỉn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.