(HNMO) - Trong phiên chất vấn Quốc hội diễn ra chiều 4-6 dành cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nhiều đại biểu đã hỏi “xoáy” vào những vấn đề “nóng” như: Sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường đất, không khí hay nguy cơ ô nhiễm phóng xạ.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà |
95% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra môi trường
Chiều 4-6, Bộ trưởng Bộ TN-MT trả lời nhiều câu hỏi của các ĐBQH về 3 vấn đề chính là: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát tình trạng sạt lở tại nhiều địa phương; các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về vấn đề sinh hoạt của người dân ở các vùng ven sông như sông Cầu, sông Đồng Nai còn gặp nhiều nguy cơ mất an toàn, ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực sông hiện nay là vấn đề nhức nhối. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lớn là các nguồn thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, những làng nghề cũ. Về vấn đề này, thời gian qua, Bộ TN-MT và các địa phương cơ bản đã kiểm soát được các nguồn thải này, đồng thời có biện pháp cụ thể để xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khó khăn chính là việc đầu tư hạ tầng chưa chú ý đến vấn đề xử lý nước thải, vì vậy hiện nay có đến 95% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường.
Bộ trưởng Bộ TN-MT đề ra giải pháp là giao cho từng địa phương chịu trách nhiệm xử lý ô nhiễm trên địa bàn mình. Các địa phương cần có sự đầu tư về công nghệ xử lý nước, đồng thời phải từng bước để người dân tham gia vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung.
Về vấn đề xói lở bờ sông, trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Cung Đỉnh (Long An), Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết, nguyên nhân chính là do còn gặp khó khăn trong việc đưa phù sa từ thượng nguồn xuống hạ nguồn; việc khai thác cát vô tội vạ dẫn đến xói lở. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề ra 3 giải pháp, đó là đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định quản lý, khai thác cát bờ sông, làm rõ trách nhiệm của UBND các cấp và cần phải có quy hoạch tổng thể bờ sông để có kế hoạch di dân ở những khu vực bờ sông yếu.
Tiếp tục chất vấn, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) nêu, nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp vẫn xả thải “trộm” ra môi trường, Bộ TN-MT làm gì để xử lý, giải quyết? Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, hiện nay có nhiều khu công nghiệp tổ chức xả thải “trộm” ra môi trường vào ban đêm. Do lực lượng thanh tra, kiểm tra còn “mỏng” nên xử lý không xuể, gây ra không ít bức xúc cho người dân.
Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất, thời gian tới phải thay đổi hình thức thanh kiểm tra, không tiến hành kiểm tra thường kỳ mà sẽ kiểm tra đột xuất theo kiến nghị của người dân. Những đơn vị, doanh nghiệp nào vi phạm nhiều lần sẽ phải cương quyết xử lý, thậm chí là đình chỉ. Bên cạnh đó, Bộ TN-MT sẽ tiến hành khoanh vùng những doanh nghiệp có thể gây ô nhiễm cao để xử lý.
Biến rác thành tài nguyên
Về vấn đề xử lý chất thải rắn như rác thải sinh hoạt, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định), Leo Thị Lịch (Bắc Giang) chất vấn Bộ TN-MT, có hướng dẫn thế nào trong việc xử lý hiệu quả? Các đại biểu này cũng cho rằng, nhiều địa phương đang sử dụng những lò đốt không đạt tiêu chuẩn, dẫn đến khí thải ra môi trường lại làm ô nhiễm không khí, vì thế đề nghị Bộ TN-MT đề xuất mô hình mẫu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận: “Chúng ta chưa kiểm soát, làm giảm tình trạng ô nhiễm, trong đó có rác thải. Bộ TN-MT xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề rác thải. Vấn đề quy hoạch các bãi rác sẽ do Bộ Xây dựng. Hiện nay, chúng tôi đã có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành về chiến lược xử lý rác thải. Trong đó sẽ nỗ lực kiểm soát rác thải nhựa”.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đến nay, Bộ TN-MT xác định coi rác như một tài nguyên, có thể tạo ra năng lượng, phân vi sinh. Bộ TN-MT dự định đến năm 2030 sẽ có nhà máy sử dụng công nghệ, thiết bị xử lý rác thải, biến rác thành phân hữu cơ tái sản xuất cho trồng trọt, còn lại sẽ tạo ra năng lượng sử dụng cho việc sản xuất. Công nghệ này hiện vẫn đang được nghiên cứu và sẽ sớm công bố cho người dân. Tuy nhiên, để làm được điều đó, công tác phân loại rác cần phải được thực hiện từ khâu đầu nguồn, tức là từ người dân phải có ý thức trong việc tham gia phân loại rác.
Về vấn đề ô nhiễm không khí, trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), cho rằng, hiện nay các khu đô thị lớn bị ô nhiễm trầm trọng, cứ 10 ngày thì có đến 9 ngày không khí có bụi, điều này gây nguy hại cho sức khoẻ người dân, Bộ TN-MT có biện pháp gì khắc phục? Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, con số mà đại biểu Nguyễn Anh Trí đưa ra chỉ theo đo đạc của một tổ chức là không chính xác. Các số liệu đo của TP Hà Nội cho kết quả khác. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, môi trường không khí bị ô nhiễm bắt nguồn từ giao thông chỉ là một nguyên nhân. Ở nhiều vùng ngoại thành, nông thôn, ô nhiễm này cũng có thêm những nguyên nhân khác như việc người dân đốt rơm rạ vào những mùa gặt. Tại Hà Nội, trước đây, ô nhiễm không khí còn xuất phát từ việc đốt than tổ ong, nhưng hiện nay vấn đề này đã được Hà Nội kiểm soát, gần như không còn đốt than tổ ong. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ô nhiễm môi trường không khí tuy vẫn còn diễn ra nhưng đã được kiểm soát tốt hơn rất nhiều so với những năm trước.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tất Thắng (Vĩnh Long) lại đặt câu hỏi về nguy cơ ô nhiễm môi trường ngoài biên giới, ví dụ như việc Trung Quốc đang vận hành 3 nhà máy hạt nhân có thể dẫn đến nguy cơ bị nhiễm phóng xạ lớn lan vào nước ta. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc này, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã biết và đã có kế hoạch để phòng tránh. Bộ TN-MT và Bộ KH-CN đã chính thức làm việc với các cơ quan hạt nhân quốc tế để cùng có trách nhiệm kiểm soát hoạt động này. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, TP Hà Nội cũng đã có phương án phòng tránh ô nhiễm hạt nhân nếu xảy ra.
Trong buổi chiều chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT, có 18 ĐBQH tham gia chất vấn và 8 ý kiến tranh luận về các vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, quản lý đất đai. Nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu sẽ được Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời trong phiên chất vấn vào sáng ngày 5-6.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.