Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều tiết hợp lý nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học

Đà Đông| 21/11/2012 05:54

(HNM) - Chiều 20-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Tán thành với việc sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN), các ĐBQH đánh giá, với vị trí là đạo luật cơ bản về lĩnh vực KH&CN, luật cần tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Trong phiên thảo luận, những nội dung liên quan tới quy định mức đầu tư tối thiểu từ ngân sách nhà nước và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN trong việc quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí của Nhà nước dành cho KH&CN được các ĐB tập trung đề cập. Đồng ý giữ nguyên trích 2% ngân sách nhà nước cho KH&CN theo quy định của luật hiện hành, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) lưu ý, cần có sự điều tiết hợp lý nguồn ngân sách này, tránh trường hợp nơi thừa, nơi thiếu. Cùng chung mối quan tâm, ĐB Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định) cho rằng, cơ chế tài chính trong lĩnh vực KH&CN hiện nay đang còn rất nhiều rào cản từ thủ tục ban đầu xin cấp kinh phí cho dự án, đề tài đến khâu thanh quyết toán. Điều này đã làm nản lòng các nhà khoa học. Vì vậy, ngoài việc chi 2% ngân sách hằng năm cho khoa học, điều cần thiết hơn là đưa ra được quy chế, chế tài để phân bổ nguồn vốn ngân sách đạt hiệu quả cao nhất. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) thì trích 2% tổng chi ngân sách mỗi năm cho hoạt động này là chưa đủ để đáp ứng mục tiêu phát triển của KH&CN, nên có chính sách để kêu gọi nguồn lực từ bên ngoài thông qua xã hội hóa.

Nhiều ĐB cũng đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng chảy máu chất xám trong khoa học công nghệ hiện nay. Dẫn ra ví dụ, cả nước có hơn 24 nghìn tiến sĩ, 100 nghìn thạc sĩ nhưng khi cần vẫn thiếu các "tổng công trình sư", các ĐB đề nghị dự thảo cần quy định rõ về chính sách thu hút nhân tài, nếu không chỉ vài năm nữa Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng đội ngũ cán bộ trẻ nghiên cứu khoa học. Các ý kiến cũng đề xuất, bổ sung khoa học nghiên cứu về khoa học xã hội, khoa học nhân văn, các công trình nghiên cứu liên quan đến công nghệ thông tin truyền thông, vật liệu mới, sinh học... vào dự thảo.

* Trước đó, sáng 20-11, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, QH đã biểu quyết thông qua 6 luật gồm: Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều tiết hợp lý nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.