(HNM) - Nhà thơ Tạ Bá Hương (sinh năm 1977) là đại biểu Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 (năm 2011). Anh hiện là phóng viên Đài PTTH tỉnh Tuyên Quang.
Một người trẻ nhưng thơ ca lại đậm chất truyền thống. Và điều thú vị là trên nền "đồng đất, rơm rạ" ấy, bạn đọc vẫn thấy được cái mới lấp lánh trong thơ anh. Tạ Bá Hương cũng được biết đến với một nghị lực sống mạnh mẽ: Làm thơ và chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Hànộimới có cuộc trò chuyện với Tạ Bá Hương nhân dịp anh sắp ra tác phẩm mới.
- Thưa anh, thơ ca có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân anh?
- Mẹ tôi là một nông dân lam lũ và bệnh tật. Mẹ mắc bệnh hen phế quản mạn tính từ lúc còn trẻ. Mỗi lần phát bệnh, mẹ lại rũ xuống như một tàu lá héo. Tôi chứng kiến cảnh ấy từ bé, nhưng chẳng biết làm gì để giúp mẹ. Ngày học lớp 9, trong một đêm, sau khi học bài xong, tôi nghĩ vẩn vơ thương mẹ và bắt đầu tập làm những câu thơ đầu tiên, viết về mẹ. Tôi mang bài thơ ấy gửi in ở Báo Tân Trào, tờ báo của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang và bất ngờ được in. Tôi sung sướng lắm và mang tờ báo ấy về khoe với mẹ. Mẹ tôi xúc động rơi nước mắt. Tôi thấy mẹ khỏe ra rất nhiều, nên nghĩ, có lẽ thơ ca đã góp sức cho mẹ tôi từng ngày chống lại bệnh tật. Từ đó, tôi bắt đầu nghĩ đến thơ ca, nghĩ đến cái hành trình sáng tạo đầy nhọc nhằn này. Trong suốt quãng thời gian cầm bút, tôi dành rất nhiều bài thơ để nói về mẹ, về tình yêu với nơi đồng đất, rơm rạ của mình. Có lẽ, chính thơ ca đã mang lại cho tôi những giá trị cuộc sống lớn lao, ngay cả những lúc không thể giãi bày được với ai thì chính thơ là một cách để tôi tâm sự.
Một số tập thơ đã xuất bản của Tạ Bá Hương. Ảnh: Quang lê |
- Trong thời buổi người làm thơ, nhất là người làm thơ trẻ, chú trọng cách tân giọng điệu, đổi mới hình thức... anh lại trung thành với không gian, chất liệu, thể loại đậm chất truyền thống. Vì sao vậy?
- Có lẽ mỗi người cầm bút đều muốn tìm tòi cho mình một phong cách, một lối đi riêng. Tôi biết, hiện nay có nhiều cây bút trẻ thường chọn cách diễn đạt theo các trào lưu cách tân, như hiện đại, hậu hiện đại, hay một số trào lưu mới khác, song có lẽ cái tạng của tôi nó thế. Cứ cầm bút làm thơ thì tự nhiên cái lối viết ấy nó dẫn dắt mình từ đầu đến cuối. Nhiều lúc nghĩ, hay là mình không theo kịp trào lưu mới, vì ở tỉnh lẻ miền núi, nhiều cái thiệt thòi? Chỉ có điều, trên nền tảng thơ ca truyền thống, tôi luôn cố gắng tạo cho mình cách làm mới, cách diễn đạt và cách nghĩ mới cho khuôn mặt của thơ mình. Một số độc giả nhớ những câu thơ, bài thơ của tôi đã sáng tác. Điều đó khiến tôi vui và tự tin hơn.
- Anh có những câu thơ rất gợi, đẹp một cách giản dị: "Áo sông dệt tím hoa cà/Bước chân ngấn giọt phù sa mỡ màu" hay "hạt mầm ngóng phía giêng hai/sá cày ngủ giữa sần chai tay cầm"... Những tứ thơ này thường đến với anh như thế nào? Có câu thơ nào đặc biệt với anh không?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê thuần nông của vùng đất "Chiến khu cách mạng". Suốt tuổi thơ, tôi gắn bó với đồng làng, rơm rạ, gắn bó với nỗi nhọc nhằn, lấm láp ấy nên thơ tôi đều dựa trên chất liệu thôn quê, mang đặc trưng của miền núi. Khi về phố, do nhu cầu công việc, trong ký ức tôi, cái miền quê đầy nắng gió ấy luôn thấp thoáng hiện ra nên mỗi câu thơ mà tôi viết đều nặng trĩu ân nghĩa với quê, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Những gì thuộc về quê kiểng, thuộc về máu thịt của mình, viết ra luôn dễ dàng hơn những gì mình viết mà chưa thực sự hiểu về nó… Còn câu thơ nào đặc biệt với mình nhất thì kể ra cũng khó nói lắm. Bởi đẻ một đứa con tinh thần, khi chúng đủ hình hài rồi thì phải cho chúng ra ngoài với xã hội. Đến lúc ấy, đứa con của mình tốt, hay xấu thì mọi người nhận xét thôi, mình đánh giá, nhận xét về đứa con của mình e rằng sẽ không thật sự khách quan cho lắm.
- Anh có nhận thấy hiện nhiều người viết trẻ, nhất là ở các địa phương miền núi, quan tâm tới những đề tài gắn bó với đời sống của chính quê hương của họ không? Người viết trẻ ở đây gặp những khó khăn gì trong quá trình sáng tác, giới thiệu, xuất bản, quảng bá tác phẩm?
- Tôi không dám nhận xét gì về các cây bút trẻ hiện nay có gắn bó với chính quê hương của họ không. Bởi vì, tôi ít có điều kiện tiếp xúc rộng và thực sự là cũng thấy mình đọc chưa được nhiều. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người đều có vùng đất hiện thực riêng của mình để sáng tác. Còn tôi luôn cố gắng mang cái hơi thở và cuộc sống cùng bản sắc văn hóa của người miền núi vào các tác phẩm của mình. Tôi nghĩ, hiện nay trước sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, chắc chắn các cây bút trẻ, kể cả các cây bút là người miền núi, đều rất thuận lợi trong việc quảng bá các tác phẩm đến với đông đảo công chúng. Chỉ có điều, chúng ta có tài và có dám dấn thân vào con đường sáng tạo ấy hay không thôi.
- Liệu trong thời gian tới anh có dự định ra mắt bạn đọc một tập thơ mới?
- Tôi cũng đang có ý định xuất bản hai tập sách nữa đó là tập thơ "Mùa đốt đồng" và tập ký "Sương trắng Phiêng Ngàm". Cũng không chắc có ra kịp trong năm nay không, bởi có hai yếu tố lớn chi phối là kinh phí xuất bản và sức khỏe của tôi. Tuy nhiên, tôi sẽ hết sức cố gắng!
- Xin cảm ơn anh. Chúc anh mọi điều tốt đẹp!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.