(HNM) - Theo kết quả điều tra dân số, Hà Nội hiện có xấp xỉ 6,5 triệu người. Tuy nhiên, trong thực tế mỗi ngày có thêm hàng triệu người thường xuyên về Hà Nội sinh sống, lao động mà không thuộc diện
Năm 2010, Hà Nội đã tổ chức tổng kết nhiều vấn đề lớn về văn minh đô thị. Đó là Chương trình 08 của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"; 10 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; 15 năm thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Từ đầu năm 2011, sau khi tổ chức đại hội Đảng các cấp, nhiều đảng bộ trên địa bàn Hà Nội cũng ra nghị quyết cho giai đoạn 2011-2015 là tập trung xây dựng nếp sống văn minh đô thị...
Không riêng tại địa bàn Hà Nội, ở nhiều địa phương trong cả nước đều rất coi trọng vấn đề xây dựng nếp sống văn hóa.
Bắt đầu từ năm 2008, TP Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc triển khai vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong toàn địa bàn với 3 nội dung trọng tâm: Chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn, giao thông; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường và xây dựng ý thức giao tiếp - ứng xử văn minh nơi công cộng. TP Đà Nẵng với phong trào vận động người dân giữ gìn môi trường sống...
Đã có nhiều chiến dịch được phát động. Đã có nhiều cuộc ra quân rầm rộ. Đã có không ít hội nghị sơ kết, tổng kết để chỉ ra những hạn chế, tồn tại. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế thu được chưa tương xứng với ý chí và mong muốn của xã hội và từng người dân. Kiến trúc sư Võ Kim Cương (Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Giữ gìn vệ sinh, văn minh đô thị không thể chỉ hô hào suông mà được, liệu chúng ta có thể đòi hỏi người dân giữ vệ sinh khi không tạo được những điều kiện tối thiểu cho họ thực hiện?". Ví dụ tại Hà Nội, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức trong toàn thành phố có bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng, song chắc chắn là chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Giai đoạn 2011-2015, thành phố đề ra mục tiêu xây mới 120 nhà vệ sinh công cộng. Nhưng đó là cái đích mà tương lai hướng đến.
Hiện nay, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm được coi là trung tâm thành phố hoặc những nơi thường xuyên có khách nước ngoài tham quan, nhiều khi tìm được chỗ "giải quyết nỗi buồn" cũng toát mồ hôi. Nhiều siêu thị mới được xây dựng và đưa vào sử dụng cũng chưa tuân thủ đúng tiêu chuẩn vì không có nhà vệ sinh. Còn với hệ thống nhà hàng, quán bia, việc đầu tư theo nguyên lý "đầu vào coi trọng, đầu ra... từ từ". Do đó, hoàn toàn có thể chia sẻ nỗi khổ đối với những thí sinh và người thân về Hà Nội dự thi ĐH, CĐ trong việc tìm nơi giải quyết "đầu ra", bởi đó là nỗi khổ không chỉ đối với người "tạm trú" mà người "thường trú" cũng vậy, nhưng chịu đựng lâu quá nên... hóa quen.
Vậy nên, riêng trong lĩnh vực này, không phải tất cả những người... tùy tiện làm mất mỹ quan chung đều là vô ý thức. Vấn đề chính là không có đủ hạ tầng tối thiểu để người dân thể hiện nếp sống văn hóa. Đây chính là cái gốc của câu chuyện và chính là việc cần quan tâm trong công tác quản lý. Nếu người dân có ý thức nhưng không có điều kiện để thực hiện ý thức thì việc vận động thực hiện nếp sống văn hóa khó đạt được hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.