Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều kiện, thủ tục được hưởng chế độ tai nạn lao động

04/07/2012 06:38

Anh tôi là công nhân của một nhà máy, có tham gia BHXH theo quy định. Trong thời gian nghỉ giữa ca, anh tôi bị tai nạn tại xưởng sản xuất. Vậy anh tôi có được hưởng chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) không và thủ tục hưởng chế độ TNLĐ được thực hiện như thế nào? Hoàng Sơn Tùng (Từ Liêm, Hà Nội)

Anh tôi là công nhân của một nhà máy, có tham gia BHXH theo quy định. Trong thời gian nghỉ giữa ca, anh tôi bị tai nạn tại xưởng sản xuất. Vậy anh tôi có được hưởng chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) không và thủ tục hưởng chế độ TNLĐ được thực hiện như thế nào?
Hoàng Sơn Tùng (Từ Liêm, Hà Nội)


Thạc sĩ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, ĐT: 04.37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Căn cứ Điều 18 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22-12-2006 của Chính phủ quy định cụ thể đối tượng áp dụng chế độ TNLĐ như sau: a) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; b) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động kể cả cán bộ quản lý, người lao động làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp HTX hưởng tiền công theo HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên; c) Người lao động là công nhân quốc phòng, công nhân công an làm việc trong các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; d) Người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc mà chưa nhận BHXH một lần trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu, công trình ở nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 39, Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ hai điều kiện sau đây: 1) Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc (i); ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (ii); trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý (iii); 2) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn trong các trường hợp trên.

Trường hợp anh của bạn bị TNLĐ tại nơi làm việc và trong thời gian nghỉ giải lao được coi như trong giờ làm việc. Do vậy, căn cứ các quy định nêu trên, anh của bạn được hưởng chế độ TNLĐ, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Về thủ tục để hưởng chế độ TNLĐ: Doanh nghiệp phải lập hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ cho người bị TNLĐ. Hồ sơ bao gồm: 1. Sổ BHXH; 2. Biên bản điều tra TNLĐ, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì phải có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông; 3. Giấy ra viện sau khi đã điều trị TNLĐ; 4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa; 5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ. Sau khi lập hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm nộp hồ sơ cho tổ chức BHXH. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của người sử dụng lao động, tổ chức BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ TNLĐ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều kiện, thủ tục được hưởng chế độ tai nạn lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.