(HNM) - Mấy tháng nay, giao thông-vận tải (GT-VT) luôn chiếm vị trí hàng đầu trong sự quan tâm của công luận. Không ngày nào không có những vấn đề GT-VT làm nóng trang nhất các báo. Vinashin rồi Vinalines.
Tai nạn giao thông, điểm đỗ giao thông, phân luồng giao thông rồi đến các loại phí giao thông... Giá xăng dầu, chất lượng xăng dầu rồi đến hàng trăm xe máy, ô tô "tự nhiên" bốc cháy chưa rõ nguyên nhân. Bây giờ đến chuyện 223.000 tỷ đồng để hiện đại hóa hoạt động của ngành, trong đó riêng tiền đầu tư để nâng cấp và xây mới trụ sở toàn ngành là 12.000 tỷ đồng.
Số tiền 12.000 tỷ đồng ngành GT-VT dự kiến để nâng cấp, xây dựng trụ sở làm việc của Văn phòng Bộ, 8 tổng cục và cục chuyên ngành; 22 công ty và 6 trường học, viện nghiên cứu là rất lớn. Nếu so sánh số tiền đó với những chi phí xây dựng các công trình quốc gia thì quả thực quá tốn kém trong điều kiện kinh tế đang khó khăn, ngân sách còn eo hẹp. Hiện nay, chi 1.000 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí xây 73.000 ngôi nhà cho người có công, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn phải cân nhắc, nâng lên đặt xuống. Nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác, số tiền trên được rải ra trong nhiều năm, ngoài tiền xây vỏ nhà còn dùng để nâng cấp các thiết bị làm việc, nhất là công nghệ thông tin sau nhiều năm chật chội, xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu cũ nát… thì cũng không phải là quá nhiều. Cần thay đổi nếp tư duy tạm bợ thế nào cũng xong, được đâu hay đấy từng tồn tại nhiều năm để hiện đại hóa, không chỉ là khoa học - công nghệ, quản lý kinh tế mà ngay từ trụ sở làm việc, điều kiện làm việc của con người.
Thực chất, vấn đề đáng quan tâm lại ở chỗ khác. Đó là một số nội dung trong thông báo ngày 10-5 của Bộ GT-VT về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc bán tài sản cũ, mua tài sản mới theo giá thị trường. Theo tinh thần của thông báo này thì khu vực 80 Trần Hưng Đạo sẽ được bán với giá thỏa thuận để mua trụ sở mới ở Mỹ Đình với giá thỏa thuận. Mua bán với giá thỏa thuận có nghĩa là bên mua và bên bán toàn quyền sử dụng tài sản đó theo mục đích của mình, miễn là không trái với pháp luật. Nếu như vậy, bên mua có quyền sử dụng khu đất vàng 80 Trần Hưng Đạo để xây chung cư, trung tâm thương mại…
Trong khi đó, chủ trương của thành phố Hà Nội là chỉ sử dụng quỹ đất các cơ quan, xí nghiệp, trường học rời đi vì mục đích giãn dân cho các công trình phúc lợi công cộng (vườn hoa, nhà văn hóa, sân vận động…) không tăng dân số, không cản trở giao thông, nghĩa là việc mua bán đất phải có điều kiện cần và đủ. Đó là chưa tính đến giá trị văn hóa - lịch sử của khu vực 80 Trần Hưng Đạo. Hiện nay thành phố đang gặp khó khăn khi nhiều cơ sở phải di chuyển địa điểm vì mục đích giãn dân, giảm sức ép về giao thông có ý muốn bán nơi cũ hoặc biến nơi cũ thành đất kinh doanh để lấy tiền mua nơi mới. Nếu dự án của Bộ GT-VT được thực thi, không có lý do gì cấm các bộ, các cơ sở khác, và như vậy mục đích di chuyển sẽ không đạt được.
Muốn một chủ trương phát huy hiệu quả tích cực phải đúng thời điểm, đồng bộ. Xem ra cả hai điều này, mặc dù tiến độ (dự tính) còn khá xa, dự án của Bộ GT-VT đều chưa thỏa mãn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.