(HNM) - Minh bạch việc hình thành giá bán lẻ xăng dầu là yêu cầu bức thiết của dư luận. Theo một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ về trao quyền định giá bán lẻ cho DN vẫn chưa được thực thi khiến nhiều đơn vị có thời điểm lỗ nặng.
Trong khi đó, dư luận lại bức xúc cho rằng, bên cạnh việc tồn tại vị thế độc quyền trên thị trường xăng dầu, việc hình thành giá bán lẻ và trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá vẫn còn nhiều điểm thiếu minh bạch. Xây dựng cơ chế điều hành giá xăng, dầu linh hoạt, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay. Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 20-9 tại Hà Nội.
Xây dựng cơ chế điều hành giá xăng dầu linh hoạt, một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay. Ảnh: Đàm Duy
Còn độc quyền, Nhà nước phải định giá
Ngay từ những phút đầu tiên, không khí của cuộc hội thảo đã nhanh chóng "nóng" lên bởi những luồng ý kiến trái chiều. Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phản ánh, mặc dù lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có tới 2 nghị định và 1 quyết định hướng dẫn thực hiện, song dường như tính thực thi của những văn bản này rất kém. Nghị định 84/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15-12-2009) trong đó trao quyền định giá bán lẻ xăng, dầu cho DN, nhưng thực tế, quyền này vẫn chưa được thực thi. Điều này đã dẫn đến nhiều bất cập mà điển hình là những khoản lỗ khổng lồ của DN kinh doanh. Từ đầu năm tới nay, ước tính hoạt động kinh doanh xăng dầu của DN lỗ gần 2.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, thời gian qua, xăng dầu không được coi là mặt hàng bình thường trên thị trường. Tỷ giá, giá vàng hay nhiều loại hàng hóa khác cũng tăng vọt theo tín hiệu thị trường nhưng ít bị trì trích. Trong khi mặt hàng này thì ngược lại. Thực tế, việc điều hành giá xăng, dầu luôn phải gắn liền với mục tiêu chống lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu DN giảm giá chậm sẽ bị trì trích gay gắt trong khi lúc lỗ nặng vẫn chỉ dám giảm giá mà không dám tăng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng, Viện khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện chưa có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. Trên thị trường hiện nay, Petrolimex chiếm 55%, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV oil) chiếm 25% và Sài Gòn Petro chiếm 8%. Căn cứ Luật Cạnh tranh của Việt Nam, DN có thị phần chiếm 30% là DN độc quyền. Theo nguyên tắc quản lý giá của cơ chế kinh tế thị trường, DN kinh doanh sản phẩm độc quyền thì giá cả phải do Nhà nước quyết định. Nếu để DN tự định giá là trái nguyên tắc này và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Quản lý hiệu quả quỹ bình ổn giá xăng dầu
Bên cạnh những bức xúc liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu, việc minh bạch cách hình thành giá bán lẻ mặt hàng thiết yếu này, hoạt động trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá (BÔG) luôn là "điểm nóng" của dư luận. Đại diện một số đầu mối xăng dầu lớn cho rằng, do thực hiện nhiệm vụ BÔG của Chính phủ nên DN đã phải gánh chịu nhiều khoản lỗ lớn. Song các chuyên gia kinh tế lại có quan điểm ngược lại.
Theo số liệu do Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cung cấp, tính từ năm 2009, đã trích lập được 8.454 tỷ đồng vào quỹ BÔG xăng dầu. Hiện đã có 7.602 tỷ đồng tiền quỹ được sử dụng và trong quỹ hiện chỉ còn lại 852 tỷ đồng. Trước những số liệu này, ông Lê Xuân Trường, Phó trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) đặt câu hỏi: Quỹ BÔG hiện do DN đầu mối xăng dầu quản lý và sử dụng theo quy định, nhưng nếu gửi không kỳ hạn ở ngân hàng thì lãi suất sẽ "chảy" về đâu, do ai quản lý? Ngoài ra, DN xăng dầu luôn kêu lỗ, vậy với khoản lợi nhuận định mức (300 đồng/lít xăng), một khoản tiền có mặt trong việc hình thành giá xăng dầu cơ sở, sẽ khiến mọi phép so sánh giá đều khập khiễng. Bởi trong bất kỳ trường hợp nào, DN vẫn có lãi.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cũng cho rằng, quỹ BÔG đang bộc lộ nhiều bất cập bởi hoạt động trích lập quỹ đang khiến phần thiệt thòi nghiêng về phía người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để công bằng, quỹ BÔG phải có phần đóng góp trích từ lợi nhuận ròng của DN từ hoạt động kinh doanh mặt hàng này, như vậy mới bảo đảm hài hòa lợi ích 3 bên như "tuyên ngôn" của các DN.
Theo các DN đầu mối xăng dầu, nếu thực hiện đúng theo Nghị định 84 thì thậm chí không cần thiết lập quỹ BÔG xăng dầu. Tuy nhiên, dù hiệu quả chưa được như mong muốn, song quỹ đã góp phần nhất định vào việc giữ ổn định giá mặt hàng thiết yếu này. Hiện nay khoảng 20 quốc gia trên thế giới cũng hình thành quỹ BÔG. Vấn đề quan trọng là các ngành chức năng phải làm gì để quản lý hiệu quả nguồn tiền và giám sát việc sử dụng cho đúng mục đích.
Ghi nhận những luồng ý kiến trái chiều của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, việc kinh doanh, bình ổn, lưu thông giá xăng dầu theo quy định do Bộ Công thương quản lý. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trích lập, sử dụng quỹ BÔG xăng dầu theo đúng quy định. Bộ trưởng khẳng định, sẽ kiên trì điều hành giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước và trong bối cảnh hiện tại chưa thể thả nổi giá mặt hàng thiết yếu này. Ông khẳng định, với 10 năm kinh nghiệm làm kiểm toán Nhà nước và 5 năm làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, sẽ điều hành giá xăng đúng định hướng và minh bạch hóa cơ chế hình thành giá xăng, dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Nhà nước luôn sẵn sàng chia sẻ những khoản lỗ với DN, bằng chứng là riêng năm 2008, ngân sách đã bù lỗ cho DN xăng dầu thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá hơn 4.000 tỷ đồng. Thời gian qua, nhiều DN đã nói muốn rời bỏ thị trường xăng dầu vì thua lỗ. Nói vậy là "ép" Nhà nước, nhưng DN nào muốn bỏ thì cứ bỏ, sẽ có DN khác làm thay. Tổng Giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo: Nghị định 84 của Chính phủ về trao quyền định giá xăng dầu có nguy cơ đổ vỡ bởi chúng ta không đủ "dũng cảm" vận hành giá xăng theo cơ chế thị trường. Điều này đã khiến DN xăng dầu gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thời điểm lỗ tới hàng ngàn tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.