(HNM) - Năm qua, những mặt hàng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, như xăng, dầu, gas, điện... đã trải qua những đợt biến động giá lớn.
Mặc dù việc điều chỉnh những mặt hàng này đang được thực hiện theo lộ trình giá thị trường, song giá hàng thiết yếu biến động mạnh, liên tục đã gián tiếp tạo ra những tác động tiêu cực, nhất là áp lực tăng giá tiêu dùng. Để khắc phục tình trạng này, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã đề xuất các giải pháp điều hành giá hàng thiết yếu trong năm 2013, trong đó công tác dự báo và bình ổn giá được đặt lên hàng đầu.
Nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tại các siêu thị đã được bình ổn giá. Ảnh: Trung Kiên |
Những diễn biến bất thường
CPI năm 2012 đã khép lại ở mức 6,81%, thấp hơn nhiều so với dự báo. Nguyên nhân là giá một số mặt hàng trong nhóm lương thực, thực phẩm, như thịt lợn, gia cầm, gạo tẻ (nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính CPI) giảm 15-20% so với năm 2011. Song, giá nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế đã qua nhiều đợt tăng - giảm giá, gây áp lực lớn cho người dân và DN. Thực tế năm 2012, xăng, dầu đã qua 6 lần tăng giá, trong đó giá xăng A92 đã tăng 11,29% so với đầu năm, từ 20.800 đồng/lít lên 23.150 đồng/lít; giá điện cũng tăng thêm 10%, từ 1.304 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh; giá gas tăng tới 23,3%, từ mức 350.000-352.000 đồng/bình 12kg lên 433.000-434.000 đồng/bình. Cũng trong năm qua, giá xăng dầu giảm 6 lần, giá gas giảm 7 lần.
Theo các chuyên gia, mặc dù lộ trình giá thị trường đã được Chính phủ áp dụng trong công tác quản lý, điều hành giá hàng thiết yếu. Tuy nhiên, do năng lực dự báo hạn chế nên việc điều hành giá còn nhiều bất cập với tốc độ điều chỉnh giá dày đặc, gây khó khăn cho DN trong việc dự trù chi phí sản xuất đầu vào. Việc hàng thiết yếu liên tục tăng, giảm giá với biên độ lớn cũng tạo ra yếu tố tâm lý tăng giá "tát nước theo mưa", gây ra những áp lực không đáng có trong điều hành giá thị trường.
Cục Quản lý giá dự báo, năm 2013 áp lực tăng CPI khá lớn. Việc giữ lạm phát ở mức độ ổn định sẽ là điều kiện cơ bản để nền kinh tế có cơ sở vững chắc nhằm tăng trưởng bền vững. Các yếu tố chi phí đẩy, trong đó có việc tăng giá hàng thiết yếu, sẽ kích lạm phát lên nếu điều hành không nhất quán và đúng hướng. Vì vậy, công tác quản lý và điều hành giá hàng thiết yếu phải có lộ trình rõ, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Quan trọng nhất là phải công bố giá minh bạch với người tiêu dùng và việc thắt chặt quản lý giá hàng thiết yếu cần phải được các ngành chức năng thực hiện ngay từ đầu năm. Việc điều chỉnh tăng giá hàng thiết yếu phải theo lộ trình, cần tránh các thời điểm nhạy cảm và không nên tăng đồng loạt để tránh gây tâm lý bất ổn cho thị trường. Đồng thời, cần xây dựng niềm tin cho DN thông qua việc bảo đảm tính ổn định, minh bạch, lâu dài với cơ chế chính sách giá ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho DN, giúp họ dần khôi phục hoạt động SXKD.
Cần nhất quán trong điều hành giá
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 vừa diễn ra, Cục Quản lý giá xác định, năm 2013 sẽ tập trung thực hiện những giải pháp lớn nhằm triển khai đồng bộ các nội dung của Luật Giá, điều hành giá nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp và thực hiệc các chính sách an sinh xã hội.
Đối với giá xăng dầu, cơ quan quản lý giá tiếp tục bám sát theo quy định tại Nghị định số 84/2009/CP của Chính phủ, kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế, trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Cục Quản lý giá sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không để thiếu nguồn hàng và xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây bất ổn cho thị trường trong nước. Việc điều chỉnh giá điện trong năm 2013 vẫn được thực hiện theo từng bước có lộ trình với nguyên tắc có kiềm chế, có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm điều chỉnh, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội. Các giải pháp về thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước cũng sẽ được Cục Quản lý giá thực hiện nhằm tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính, Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá, bình ổn giá.
Nhận xét về diễn biến giá thị trường trong năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nhấn mạnh, áp lực tăng giá trong năm 2013 sẽ phức tạp và khó khăn hơn nên công tác điều hành giá cần phải chủ động hơn. Việc điều hành, dự báo giá hàng thiết yếu cần thực hiện theo đúng lộ trình giá thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, Cục Quản lý giá cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để làm tốt công tác điều hành cũng như có thêm những thông tin để chỉ đạo công tác điều hành giá tại các địa phương…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.