Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ bỏ tiền mặt

Theo Hà Trường/VnExpress| 05/06/2016 10:31

Mỹ tốn tới 200 tỷ USD để giữ tiền mặt được lưu thông, do đó nằm trong nhóm đầu những quốc gia có nhiều khả năng bỏ dùng tiền mặt.

Dù thẻ tín dụng và trả trước được sử dụng rất phổ biến, thanh toán di động cũng đang tăng nhanh nhưng hơn 80% giao dịch trên toàn thế giới vẫn ở dạng tiền mặt. Theo nghiên cứu gần đây của Harvard Business Review và các chuyên gia từ Đại học Tufts, việc chuyển sang giao dịch kỹ thuật số sẽ mang lại nhiều lợi ích, do việc lưu trữ và vận chuyển tiền mặt khá tốn kém.

Để xác định xem quốc gia nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc chuyển sang thanh toán kỹ thuật số, các nhà nghiên cứu xem xét chi phí sử dụng tiền mặt từ bốn khía cạnh: người tiêu dùng, doanh nghiệp, ngân hàng và Chính phủ.

Đối với người tiêu dùng, chi phí bao gồm phí ATM, phí di chuyển tới ATM hoặc ngân hàng để rút tiền và nguy cơ đánh mất tiền. Đối với doanh nghiệp, chi phí bao gồm phí lưu trữ, bảo vệ và vận chuyển tiền mặt tới ngân hàng khi cần thiết. Với ngân hàng, chi phí bao gồm phí nạp tiền cho ATM, lưu trữ và vận chuyển tiền mặt. Đối với Chính phủ, chi phí bao gồm phí in tiền, thâm hụt thuế hoặc những khoản không thu được từ những giao dịch không được ghi lại.

Dùng tiền mặt tốn nhiều chi phí hơn so với sử dụng các giao dịch điện tử


Báo cáo này cũng chỉ ra rằng Mỹ tốn tới 200 tỷ USD hàng năm để giữ tiền mặt được lưu thông và kết luận những quốc gia có nhiều khả năng sẽ bỏ dùng tiền mặt nhất là Mỹ, Hà Lan, Nhật, Đức, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc, Trung Quốc và Brazil. Ngoài việc định hướng người dân sử dụng ví điện tử, Trung Quốc còn áp phí cao cho các giao dịch bằng tiền mặt.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm trước để thực hiện hóa ý tưởng về một xã hội không tiền mặt. Bản thân việc chuyển đổi này cũng khá tốn kém bởi giao dịch điện tử sẽ cần tới sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng tiên tiến.

"Thay đổi một thói quen không phải là điều dễ. Nhiều người đã quen với việc mua bán và quản lý chi tiêu bằng tiền mặt", Mark Ranta, trưởng bộ phận giải pháp ngân hàng kỹ thuật số tại ACI Worldwide cho biết.

Dù giao dịch điện tử mang lại sự minh bạch trong kinh doanh bởi chúng rất dễ theo dõi, nhưng không phải ai cũng cho đây là điều tích cực. Nhiều người chọn tiền mặt chính bởi sự mập mờ của nó. Ngoài ra, rất nhiều giao dịch kỹ thuật số phải tốn hàng giờ liền hoặc lâu hơn để thực hiện. Các quốc gia nếu muốn ngưng dùng tiền mặt thì phải khắc phục được điểm này. Bên cạnh đó, người dùng muốn sử dụng ngân hàng điện tử cũng cần thiết bị hỗ trợ, chủ yếu là smartphone.

Xã hội không tiền mặt cũng nảy sinh một vài vấn đề hoặc rủi ro. Trong những hệ thống tài chính kém ổn định, người tiêu dùng có thể thoải mái với tiền mặt hơn là giữ tiền trong ngân hàng. Ngoài ra, các công ty thẻ tín dụng cũng thu phí từ giao dịch trong giao dịch qua thẻ của người dùng.

Ở châu Âu cũng xuất hiện một số ý kiến phản đối khi Chính phủ tiến hành hạn chế các giao dịch bằng tiền mặt. Các vấn đề khác về an ninh mạng có thể xảy ra nhưng hacker liên tục đột nhập vào hệ thống thanh toán của các cửa hàng bán lẻ cũng như ngân hàng, trộm hàng triệu USD.

Dù vậy, vấn đề an ninh cũng sẽ không ngăn cản được quá trình chuyển đổi sang sử dụng tiền điện tử. Chúng ta buộc phải đánh đổi, chấp nhận nguy cơ thông tin cá nhân bị tiết lộ và ăn cắp để có thể mua đồ trực tuyến , đặt hàng giao tới tận nhà hay hưởng các ưu đãi khác từ Internet.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ bỏ tiền mặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.