Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều gì đang xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông? (Tiếp theo và hết)

TS Nguyễn Thế Kỷ| 10/03/2011 07:28

(HNM) - Từ giữa tháng 12-2010 đến nay, tại nhiều nước vùng Bắc Phi và Trung Đông (MENA) đã xảy ra những biến động chính trị to lớn, sâu sắc. Theo dõi tình hình khu vực này, có thể tìm ra những căn nguyên bề nổi, mang tính chủ quan, nhưng không dễ thấy được căn nguyên sâu xa, mang tính khách quan, rất có thể là nguyên nhân quan trọng, chủ yếu.

(HNM) - Từ giữa tháng 12-2010 đến nay, tại nhiều nước vùng Bắc Phi và Trung Đông (MENA) đã xảy ra những biến động chính trị to lớn, sâu sắc. Theo dõi tình hình khu vực này, có thể tìm ra những căn nguyên bề nổi, mang tính chủ quan, nhưng không dễ thấy được căn nguyên sâu xa, mang tính khách quan, rất có thể là nguyên nhân quan trọng, chủ yếu.

Người Ai Cập biểu tình tại Cairo hồi đầu tháng 2. Ảnh: Reuters

Vai trò của báo chí và mạng xã hội (social networks)

Ở Ai Cập và cả khối MENA, người ta đang rất quan tâm tới một nhân vật mang mật danh ElShaheed, tiếng Arập có nghĩa là “tử vì đạo”, người đóng vai trò chính trong việc kích động giới trẻ Ai Cập thông qua mạng Facebook. Nhiều người đã nhắc đến các mạng xã hội như Twitter, Facebook, WikiLeaks, YouTube và vai trò của báo chí, truyền thông… như là những tội đồ. Cần chỉ rõ rằng, những kẻ “làm đất, đổ ải, gieo hạt” để có “vụ gặt” bội thu vừa qua, công đầu là Mỹ, nhiều nước phương Tây, các thế lực đầu cơ chính trị bản địa. Các mạng xã hội, phương tiện truyền thông, báo chí… thuần túy chỉ là công cụ - những công cụ đắc lực, sắc lẻm, lạnh lùng trong tay kẻ chủ mưu, kẻ sử dụng. Một đài phát thanh có tiếng ở châu Âu, trong bài viết gần đây tựa đề “Cách mạng: Iran - Thiên An Môn - Ai Cập”, nêu ra những “kinh nghiệm” để làm “cách mạng”: kích động quần chúng gây rối, bạo loạn; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ; sử dụng mạng xã hội, báo chí, truyền thông để kích động, liên kết trong ngoài…


Chúng tôi muốn điểm lại sự tham gia của một số trang mạng xã hội, với tư cách là công cụ hết sức lợi hại cho các cuộc “cách mạng hoa nhài” và bạo động chính trị đã và đang diễn ra ở Bắc Phi, Trung Đông, tư liệu chủ yếu lấy từ báo chí nước ngoài. Ngày 22-1-2011, The New York Times (http://www.nytimes.com/2009/01/25/magazine/25bloggers-t.html?_r=1), đăng bài viết có đoạn: “Hầu hết các quốc gia trong thế giới Arập, Facebook hiện nay là một trong số 10 trang web được truy cập nhiều nhất, và tại Ai Cập, nó đứng thứ ba, sau Google và Yahoo. Cứ 9 người Ai Cập thì có 1 người đã truy cập internet và khoảng 9% của nhóm này hiện tại đang online trên Facebook - trong tổng số gần 800.000 thành viên… Một trong số các cuộc tranh luận năng động nhất là của Phong trào Thanh niên Ngày 6 tháng tư - một nhóm 70.000 người Ai Cập chủ yếu là trẻ và có giáo dục, đa số họ chưa bao giờ được tham gia chính trị trước khi gia nhập nhóm”.

Thông tin về cuộc chiến trên mạng cũng đã được báo chí nước ngoài cập nhật nóng hổi giống như thông tin trên chính trường đang ngày càng khốc liệt. Ngày 26-1, Global Post có bài viết “Ai Cập chặn Facebook và Twitter” (http://www.globalpost.com/dispatch/egypt/110126/egypt-blocks-facebook-and-twitter) và một loạt các bài viết khác có liên quan như “Mạng xã hội đang đi theo xu hướng xấu tại Ai Cập” (http://tech.fortune.cnn.com/2011/01/26/social-networks-seen-going-dark-in-egypt/); “Ai Cập phản đối các trang mạng xã hội và báo chí tham gia tạo nên nguy cơ vô hình” (http://techgeek.com.au/2011/01/27/egypt-protests-social-networking-sites-blocked-journalist-beaten-anonymous-threatens-govt/); “Ai Cập trải qua ngày thứ ba cắt đứt thông tin trên mạng” (http://www.itp.net/583722-egypt-enters-third-day-of-communication-blackout); “Trung Quốc sẽ đóng cửa các trang mạng đưa thông tin về biểu tình tại Ai Cập trên mạng Twitter” (http://venturebeat.com/2011/01/30/china-is-blocking-coverage-of-egypt-protests-on-twitter-like-services/#)...

Facebook, Twitter, YouTube, Google và một số trang mạng xã hội khác, hay nói đúng hơn, một số người điều hành chúng, đã và đang giữ vai trò quan trọng, tham gia rất tinh vi vào việc không chỉ kết nối, truyền tải thông tin giữa các thành viên trong xã hội, mà cao hơn, đổ thêm dầu vào lửa, tạo ra, đẩy lên nhiều đợt sóng phẫn nộ, những cuộc “cách mạng”, những cuộc lật đổ chưa từng có trong lịch sử các nước MENA và thế giới.

Nhận rõ sự nguy hại của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khi được sử dụng vào những âm mưu nguy hiểm, ngày 22-2-2011, sau sự kiện một số nhà hoạt động dân chủ ở Trung Quốc kêu gọi “cách mạng hoa nhài”, lãnh đạo nước này chủ trương thắt chặt quản lý thông tin internet, đặc biệt là các mạng xã hội như Facebook, Twitter. Các cơ quan chức năng của Trung Quốc chặn các truy cập có từ khóa “hoa nhài” và các từ được coi là nhạy cảm như “Tây Tạng”, “Vương Phủ Tỉnh”, “nhân quyền”. Nếu không tìm cách vượt qua được “tường lửa” thì người sử dụng internet tại Trung Quốc, với số lượng đông nhất thế giới - 457 triệu người, không thể vào được Facebook, Twitter, Dailymotion, YouTube… Tại Belarus, cơ quan cảnh sát mật K.G.B cũng tăng cường kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội. Các quốc gia khác như Pakistan, Iran, Sirya, Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Myanmar… đã chặn các mạng xã hội nước ngoài Facebook, Flickr, Twitter… đề ra chính sách và giải pháp tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng xã hội.

Chúng ta cũng không bất ngờ trước sự việc ngày 15-2-2011, phát biểu tại Trường Đại học G.Washington, Ngoại trưởng Mỹ, bà H.Clinton lại lên tiếng chỉ trích, xuyên tạc Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Iran, Myanmar, Sirya… “vi phạm tự do internet”; thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục tung ra các trang mạng xã hội Twitter bằng các thứ tiếng Trung Quốc, Nga, Ấn Độ (sau khi đã thực hiện rất hiệu quả các trang mạng xã hội này bằng tiếng Arập, Farsi). Năm 2011, Mỹ sẽ chi ít nhất từ 25 đến 30 triệu USD để “bảo vệ” các bloger đang bị ngăn cản, “cải thiện môi trường pháp lý” cho hoạt động truyền thông.

Thay lời kết

Biến động chính trị tại Bắc Phi, Trung Đông, đặc biệt là ở Ai Cập, Tunisia, đã và đang được nhìn nhận, đánh giá một cách bình tĩnh, đầy đủ, công bằng và khách quan hơn. Khi đi vào vấn đề này, rất cần có cái nhìn toàn diện, đi vào chiều sâu, vào bản chất sự việc, vừa không xem nhẹ nguyên nhân bên trong, càng không được xem nhẹ các nhân tố bên ngoài. Đó là bài học cảnh tỉnh, cảnh giác cho nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đó cũng là cách tiếp cận cần thiết để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều gì đang xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông? (Tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.