Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh kịp thời - ứng xử nhân văn

Hoàng Lê| 26/12/2020 06:42

(HNMCT) - Trong những ngày đông giá rét vừa qua, ngành Giáo dục Hà Nội đã có động thái quản lý phù hợp yêu cầu cuộc sống khi ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện một số giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe học sinh. Hai trong số yêu cầu đặt ra được phụ huynh tán thưởng là các nhà trường “linh động” với trường hợp học sinh đi học muộn và không bắt buộc trẻ phải mặc đồng phục tới trường khi trời rét.

Cuộc sống không ngừng vận động, nảy sinh những vấn đề, tình huống, xu hướng, bối cảnh mới, đặt ra yêu cầu thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định, điều lệ, văn bản pháp quy... nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động sống diễn ra an toàn, thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật.

Thực tế cho thấy có những văn bản pháp quy, nội dung quy định “có vấn đề”, gây tranh cãi ngay từ khi mới ban hành, nhưng thường thấy nhất là những nội dung quy định không còn phù hợp thực tế, trở nên lạc hậu sau một khoảng thời gian nhất định, cần phải sửa đổi, bổ sung và thậm chí là loại bỏ. Với sự điều chỉnh này, yêu cầu đặt ra là bảo đảm kịp thời, cụ thể, tính khả thi, hợp hiến, hợp pháp.

Như với văn bản nói trên của ngành Giáo dục Hà Nội, sự chỉ đạo kịp thời liên quan tới vấn đề đồng phục đã giúp tháo gỡ mối băn khoăn của cha mẹ học sinh là phải làm sao để con mình mặc đủ ấm mà không vi phạm quy định của nhà trường. Việc tưởng nhỏ thực ra là lớn, bởi ai cũng biết chiếc áo khoác đồng phục của học sinh hiện không đủ giúp trẻ ấm áp khi trời rét đậm, chưa nói rét hại. Nếu không có yêu cầu “nới” quy định về việc mặc đồng phục khi đến trường, cách áp dụng máy móc của nhà trường có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của nhiều học sinh.

Nói về tính kịp thời và sự chậm trễ, cũng trong lĩnh vực giáo dục, có thể dẫn ra ví dụ liên quan tới vấn đề có hay không được phép “bêu tên” học sinh trước lớp, trước toàn trường - điều sẽ tạo áp lực tâm lý nặng nề đối với học sinh, có thể dẫn trẻ đến hành vi, cách ứng xử tiêu cực thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng. Như gần đây, một nữ sinh lớp 10 ở An Giang trước khi tự tử (may mắn là không thành) đã để lại thư tuyệt mệnh, trong đó có đề cập tới áp lực quá lớn mà nữ sinh này phải đối diện sau khi chịu một hình thức kỷ luật trước toàn trường...

Ngành Giáo dục đã có văn bản sửa đổi quy định về việc khen thưởng, kỷ luật học sinh vào cuối năm nay, trong đó bãi bỏ hình thức “phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường” - điều được phép thực hiện theo quy định được nêu trong một Thông tư được ban hành từ năm 2011. Gần 10 năm cho một sự thay đổi cần thiết, không thể nói là bảo đảm tính kịp thời.

Những quy định không phù hợp, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, đang dần được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu từ cuộc sống. Tuy nhiên, để các quy định cũng như nội dung điều chỉnh mang tính pháp quy đi vào cuộc sống một cách hiệu quả thì cần thái độ ứng xử tự giác, văn minh, đúng mực, đúng luật của các bên liên quan. Như với sự thay đổi - bãi bỏ hình thức kỷ luật “phê bình trước lớp, trước toàn trường”, quy định mới cần một cách xử lý tình huống mang tính nhân văn, toàn tâm toàn ý vì sự phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất và tinh thần của thế hệ trẻ. Điều đó đòi hỏi phía nhà trường, cụ thể là các thầy cô giáo bỏ thói quen cũ trong cách xử lý kỷ luật đối với những học sinh “chậm tiến”; lấy tình cảm yêu thương, chăm sóc và biện pháp giáo dục thuyết phục làm trọng chứ không phải áp đặt ý chí chủ quan hay quan điểm cá nhân về sự cần thiết duy trì “kỷ luật sắt”.

Nhận thức đúng vấn đề để tự giác thay đổi cách ứng xử, phương pháp giáo dục nhằm bảo đảm tính khoa học, nhân văn đối với học sinh - tương lai của đất nước, đó chính là cách triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của ngành Giáo dục vốn được xây dựng trên tinh thần bất biến là “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh kịp thời - ứng xử nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.