(HNM) - Các đơn vị kinh doanh nước sạch đều kêu lỗ, do nguồn thu từ việc bán nước sạch sinh hoạt không đủ chi phí sản xuất nên không thể bổ sung đầu tư nâng cao chất lượng cung ứng. Trong khi, với người tiêu dùng, dường như hai chữ
Tâm lý chung, ai cũng muốn dùng sản phẩm tốt, giá rẻ, nên việc tăng giá, nhất là những sản phẩm thiết yếu liên quan đến đời sống hằng ngày luôn khiến dư luận quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, việc tăng giá sẽ chất thêm gánh nặng chi tiêu lên vai người lao động, người làm công hưởng lương, người nghèo. Thực tế, câu chuyện giá xăng tăng nhiều - giảm ít, chuyện giá điện "nhấp nhổm", lại thêm nước sạch kêu lỗ, toàn những mặt hàng không thể không dùng, khiến dư luận nhiều phen "nổi sóng". Thậm chí, có ý kiến phản biện rằng, tỷ lệ thất thoát của ngành nước giảm chậm, vẫn ở mức cao hơn 25%, không thể đổ hết lên đầu người tiêu dùng và rằng trước khi tăng giá, đơn vị cung cấp dịch vụ phải khắc phục tình trạng thất thoát, nâng chất lượng dịch vụ cấp nước đã…
Sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước Yên Phụ. Ảnh: Thanh Hải |
Đối với ngành cấp nước, công bằng mà nói, mức giá 4.000 đồng/m3 nước sạch sau đồng hồ cũng là sức ép lớn cho sản xuất, vận hành mạng lưới. Giải bài toán kinh doanh đơn thuần, theo ông Nguyễn Như Hải - Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội, chi phí đầu vào như nhân công, vật liệu, điện… đều tăng, trong đó riêng giá điện tăng 6 lần so với thời điểm năm 2010, trong khi giá bán nước vẫn giữ nguyên. Vì vậy, bình quân mỗi năm, Công ty Nước sạch Hà Nội lỗ 50-80 tỷ đồng. Quý I năm 2013, số lỗ ước khoảng 33 tỷ đồng. Phải tiết giảm mọi chi phí để giảm lỗ đã đành, nhưng khó khăn hơn là mỗi năm công ty phải phát triển thêm 45.000-50.000 khách hàng mới, nên nếu để thua lỗ kéo dài thì việc đầu tư phát triển mạng cũng không thể thực hiện. "Ngành nước phải tự chủ trong đầu tư, kinh doanh mà năm nào cũng thua lỗ như vậy thì ai cho vay để đầu tư nữa" - ông Hải nói và đưa ra hình ảnh so sánh - "Một chai nước uống có giá 5.000 đồng, trong khi cả 1.000 lít nước sạch mới bán được 4.000 đồng. Giá thấp như vậy, bảo sao người ta sử dụng lãng phí, không đúng mục đích". Ông Vũ Quý Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Vinaconex nói, nhà máy nước sông Đà do Vinaconex làm chủ đầu tư và mạng lưới cấp nước cho khu vực tây nam Hà Nội của Công ty CP Viwaco (thành viên của Vinaconex) đều đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn vay. Dù đã được thành phố trợ giá nhưng cả nhà máy nước lẫn đơn vị cung ứng nước đều lỗ do thu không đủ chi, nhất là khoản lãi vay phải trả. Riêng nhà máy nước, chi phí lãi suất vốn vay đã hơn 100 tỷ đồng. Từ khi hoạt động đến nay, nhà máy này lỗ lũy kế tới 108 tỷ đồng. Làm rõ thêm, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, khi xây dựng dự án đầu tư nhà máy nước sông Đà, mức giá bán được tính là 4.400 đồng/m3 nước sạch. Tuy nhiên, sau khi nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động, kiểm toán đưa ra mức giá 6.300 đồng/m3, vì vậy thành phố đồng ý trợ giá cho chủ đầu tư trong 3 năm 2009-2011. Hết năm 2011, nhà máy chưa thể vận hành hết công suất thiết kế, mạng lưới tiếp nhận chưa hoàn thiện, chủ đầu tư có văn bản đề nghị gia hạn thời gian trợ giá và được thành phố đồng ý tiếp tục đến hết năm 2013. Mức thành phố trợ giá bình quân cho nhà máy này là 120 tỷ đồng/năm. Trong khi, Công ty CP Viwaco là đơn vị phân phối mạng, giá thành được tính trên cơ sở định mức kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành, nên mức trợ giá bình quân 500-600 đồng/m3 nước sạch. Như vậy, mỗi năm thành phố trợ giá cho đơn vị này khoảng 30 tỷ đồng từ ngân sách và thời điểm kết thúc cũng hết năm nay. Với Công ty Nước sạch Hà Nội, giá bán được áp dụng từ năm 2010 và không được thành phố trợ giá.
Cũng theo Sở Tài chính Hà Nội, giá bán nước sạch sinh hoạt liên quan đến chi phí khai thác, quản lý, vận hành. Nguyên tắc, định mức tính toán đã được Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính ban hành. Trên cơ sở đó, liên ngành Tài chính - Xây dựng - Lao động, Thương binh, Xã hội và Cục Thuế Hà Nội tính giá thành nước sạch đến thời điểm này là hơn 8.000 đồng/m3. Liên ngành sẽ trình UBND TP phương án điều chỉnh giá nước trong thời gian tới, với mức giá cụ thể cho từng lĩnh vực như giá nước sạch cho sinh hoạt hộ gia đình, giá nước sạch sản xuất, giá nước sạch cho cơ quan hành chính… Tuy nhiên, đại diện Sở Tài chính khẳng định, mức tăng sẽ theo lộ trình chứ không phải tăng ngay một lúc để bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và các vấn đề an sinh xã hội khác. Về lâu dài, cần xây dựng cơ chế điều chỉnh giá hằng năm thay vì để nhiều năm mới điều chỉnh một lần, sẽ tránh được việc phải điều chỉnh quá lớn, gây xáo trộn đời sống nhân dân.
Liên quan đến giá nước sạch, tại buổi làm việc với các DN cấp nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lưu ý việc điều chỉnh giá nước phải có lộ trình phù hợp với mức độ đầu tư, không tạo ra khó khăn cho xã hội. Về lâu dài, xem xét phương thức đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho đầu tư nước sạch. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.