(HNM) - Nghề nào cũng có chuyện
Chèn ép cát sê
Diễn viên mới vào nghề thường nhận được những khoản cát sê khiêm tốn.
Lần đầu được nhận vai chính trong bộ phim truyện nhựa có kinh phí 15 tỷ đồng, trong đó 70% tài trợ của nhà nước, M.H vui mừng ra mặt. Cát-sê M.H nhận được, theo lời anh nói là không thấp so với mặt bằng các phim trong nước (thường từ 12-15 triệu đồng/vai chính trong phim truyện nhựa). Nhưng ngó nghiêng các hợp đồng đóng phim của đàn anh, nhất là nhìn vào quy mô đầu tư của phim, anh biết đây là mức khiêm tốn, rất khiêm tốn, khi vào vai chính xuyên suốt bộ phim và phim thu tiếng đồng bộ đòi hỏi phải thuộc thoại và nắm đường dây kịch bản rất kỹ. Biết nhưng cũng không dám kêu ca vì "được mời đóng phim là vui rồi, lại vinh dự được đóng nhân vật rất ý nghĩa", M.H nói. Anh còn ghé tai nói nhỏ, thậm chí không trả cát-sê thì anh vẫn "vui vẻ lên đường".
M.H cho biết, 95% nghệ sĩ trẻ làm nghề đều bị chèn ép cát-sê. Ai cũng biết nhưng chẳng dám khiếu nại hay phản ứng khi nhận thù lao mà chỉ lúc về nhà hát, ngồi trò chuyện với nhau mới thở than. "Biết là đồng tiền được trả không tương xứng với lao động nghệ thuật bỏ ra nhưng như đã thành "lệ" rồi, "bầu" diễn viên trả cho bao nhiêu thì biết thế thôi, nếu có thắc mắc thì được giải thích với nhiều lý do, nào là do kinh phí bối cảnh quá nhiều, rồi phải chi cho diễn viên quần chúng…" - anh bộc bạch. M.H kể, thi thoảng nhận được những vai diễn "lướt qua màn ảnh" nhưng cũng phải đến trường quay chờ chực cả buổi và ra về với chiếc phong bì nhẹ tênh. Trên đường về nhà, ngồi uống nước chè chén ở quán cóc, bóc phong bì ra thấy 20.000 đồng...
Diễn viên chưa có tên tuổi thuộc dạng "thấp cổ bé họng" như M.H thì việc ngửa cổ để cho các "bầu" diễn viên "chém" được coi như chuyện thường ngày. Nắm được tâm lý của những người trẻ hay người mới vào nghề cần tên tuổi hay vai diễn "ra tấm ra món" hơn cần cát-sê nên nhiều "bầu" sẵn sàng "xà xẻo". Việc này còn do quan niệm ăn sâu vào nền điện ảnh công chức, coi vai diễn như một sự ban ơn nên diễn viên nhận vai là mặc nhiên không được quyền đòi hỏi gì nữa…
Khi người chèn ép có vai vế
Nghệ sĩ trẻ mới vào nghề bị trả cát-sê thấp, thậm chí bị quỵt cát-sê, bị bạn diễn có kinh nghiệm giật mất sô diễn, phải nhường giờ hát cho ca sĩ có tên tuổi để họ kịp chạy sô… đã không còn là chuyện lạ. Và nhiều khi, nghệ sĩ thành danh cũng bị chèn ép. Sau khi chia tay "bầu", ca sĩ liền bị "bầu" cũ không cho hát cùng sân khấu với "gà" của công ty hay ra điều kiện cho đơn vị tổ chức nếu mời người cũ thì không có người mới. Ca sĩ Q.H, C.T.S… từng kêu toáng lên trên báo vì bị chèn ép như vậy khi mới "Nam tiến". Ngoài việc bị tranh giờ hát, khi Q.H đang hát thì bị "đối thủ" dùng kỹ xảo bày trò để khán giả mất tập trung. "Vào đúng mùng Một Tết, chuẩn bị đến giờ hát thì Q.H phải "out" vì phía bên đại diện ca sĩ Đ.T nói nếu Q.H hát thì Đ.T sẽ... thôi... Ngoài ra còn nhiều chương trình lớn khác Q.H đã tập nhưng cuối cùng vẫn bị “out”, bầu của Q.H nói với báo giới. Người mẫu P.T.V có lần cũng lên báo "tố" đàn chị có tên tuổi trong giới thời trang gây khó dễ với cô. Dù hai bên lời qua tiếng lại nhưng không ít người trong giới thừa nhận có chuyện này và thậm chí diễn ra nhiều lần.
Mới đây, khi đoạt giải thưởng có uy tín sau gần chục năm đi hát, Đ.T mới thổ lộ, hồi mới bước vào con đường nghệ thuật, một thân một mình lên thành phố, không có người quen thân trong làng âm nhạc, "tôi chẳng được giúp đỡ mà thậm chí còn bị vùi dập nữa". Và anh nhớ rất rõ, "họ cố gắng can thiệp để không cho tôi hát, gạt tôi ra khỏi chương trình mà tôi được mời. Họ dùng ảnh hưởng của họ để cản trở con đường đi lên của tôi". Ca sĩ T.M.T và V.H sau khi chia tay nhà hát ngoài Bắc cũng không còn cơ hội tham gia các sô diễn do "ông bầu" có tên tuổi là giám đốc đơn vị này tổ chức.
Khi mà sự chèn ép đến từ những người có chức sắc thì tầm ảnh hưởng đến việc làm nghề của nghệ sĩ là không nhỏ. Diễn viên V.H.N bị một đạo diễn ngoài Bắc từng làm lãnh đạo một hãng phim lớn tẩy chay, tuyên bố hãng phim của ông không mời anh nữa vì những lời anh phát biểu trên báo làm mếch lòng ông.
Chèn ép theo dạng "trên" hớt tay trên của "dưới" cũng có. K.O, biên tập viên sân khấu ở một đài truyền hình tên tuổi ngoài Bắc kể, mức kinh phí đài duyệt chi cho một chương trình khoảng 10 triệu đồng nhưng khi dựng vở với các đoàn nghệ thuật "tỉnh lẻ", đạo diễn chương trình thường "gợi ý" để đơn vị cắt lại 2 triệu đồng "bồi dưỡng cho ê-kíp" nhưng thực chất vị này bỏ túi. Còn ở hãng phim V., nhiều đạo diễn thở phào khi ông giám đốc về hưu, vì khi ông đương chức, mỗi tập phim có tên ông đứng ở chức danh biên tập thì ngoài tiền thù lao của biên tập, các đạo diễn còn phải "cống nộp" cho ông một triệu đồng/tập.
Điều chỉnh bằng… đạo đức?
"Chuyện chèn ép nhau có nhưng không phổ biến, bản thân tôi khi vào nghề cũng trở thành nạn nhân nhưng không nhiều lần, chủ yếu là sự cạnh tranh nhau lành mạnh. Việc cố tình đè người khác để đi lên thì nhiều người biết nhưng rất khó khăn để xử lý. Có thể ai cũng thấy người này chèn ép người kia nhưng khó có bằng chứng rõ ràng, cụ thể. Chẳng hạn, cùng đến trễ nhưng người này không sao, còn người kia đạo diễn ghét nên bị cằn nhằn làm người ta mất tinh thần, ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả diễn xuất", diễn viên Quyền Linh - Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho biết.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhận được đơn thư phản ánh về hiện tượng này mà có lẽ là quan hệ cá nhân với nhau. Nếu việc chèn ép vi phạm những quy định trong quy chế hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp hay nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin thì thanh tra chuyên ngành xử lý. Còn nếu quan hệ thuộc lĩnh vực điều chỉnh của luật dân sự thì có thể kiện ra tòa án, thậm chí việc chèn ép có yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự", ông Phạm Đình Thắng - Trưởng phòng Quản lý băng đĩa ca nhạc và biểu diễn sân khấu (Cục Nghệ thuật biểu diễn) cho biết.
Thiết nghĩ, bên cạnh sự điều chỉnh của quy phạm đạo đức, cần có quy định về cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động biểu diễn tạo hành lang pháp lý cho nghệ sĩ khi có chứng cứ có thể khởi kiện để bảo đảm quyền lợi. Tham vấn ý kiến một số luật sư ở Hà Nội, được biết nếu có kiện tụng thì những vụ việc này liên quan đến chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, việc chứng minh hậu quả và hành vi cũng rất khó vì chủ yếu thông qua lời nói. Những người có thế lực và có quan hệ cũng sẵn sàng chi tiền nếu bị tố cáo nên cũng khó xử lý đến nơi đến chốn, kể cả khi có chứng cứ. Và để làm sáng tỏ những vụ việc như vậy e rằng con đường tranh tụng ở Việt Nam hiện nay khó giải quyết rốt ráo (!).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.