(HNM) - Mai Văn Phấn là một nhà thơ được chú ý những năm gần đây với hành trình miệt mài với thơ, liên tục có những đổi mới và đặc biệt là có thơ xuất bản, in bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Tuy nhiên, gần đây khi chuyên luận "Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác" của hai nhà phê bình văn học Ngô Hương Giang và Nguyễn Thanh Tâm ra đời thì sự chú ý không chỉ dành cho bản thân nhà thơ mà còn dành cho các nhà phê bình.
Phóng viên Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình trẻ Ngô Hương Giang (Viện Triết học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) xung quanh công trình này.
Nhà lý luận phê bình Ngô Hương Giang. |
- Vì sao lại là Mai Văn Phấn mà không phải là một gương mặt nhà thơ khác trong sự lựa chọn của các anh cho công trình nghiên cứu của mình?
- Hiện Mai Văn Phấn là nhà thơ Việt Nam đương đại có thơ in ở nước ngoài nhiều nhất với 9 thứ tiếng. Khi sang Đức, tôi đã được đọc bản tiếng Anh dịch thơ Mai Văn Phấn và nhận thấy các dịch giả có những căn cứ xác đáng khi lựa chọn dịch tác phẩm của nhà thơ đương đại này. Bên cạnh đó, có thể thấy ngay trong thơ của Mai Văn Phấn có sự đọc. Một sự đọc chăm chỉ về mặt triết học, lý luận văn học để không ngừng chiêm nghiệm trong quan sát, suy tư về đời sống. Nhà thơ không thể chỉ đi bằng câu chữ mà phía sau đó không có cuộc sống. Thơ không nói dối được, nếu anh bắt chước chỉ bắt chước được một bài chứ không thể bắt chước được suốt cả hành trình thơ. Hơn nữa, Mai Văn Phấn có ba đặc điểm: Biết ứng dụng cái mình đọc được, không an phận với những tác phẩm mình đã sáng tác, có nhiệt tâm sáng tạo. Đó là những lý do chúng tôi chọn gương mặt này cho chuyên luận của mình.
- Đây là công trình minh họa cho một phương pháp nghiên cứu hay đơn thuần là công trình phê bình văn học nhắm đến một tác giả cụ thể?
- Có thể nói công trình này là kết quả ứng dụng của lý thuyết nhân học vi mô chủ yếu trong nghiên cứu văn hóa và phê bình văn học. Cụ thể là nghiên cứu sự chuyển biến tư tưởng, quá trình thay đổi nhận thức của bản thân tác giả và những tác động của nó đến thơ. Trong đó, có cả việc quy chiếu đời tư của tác giả vào sản phẩm. Mục đích cuối cùng của nó không nằm ngoài việc nhận diện đúng đối tượng, phê phán đúng cái sai, đánh giá đúng đóng góp, tránh tình trạng chủ quan, cực đoan, phê bình theo kiểu quan hệ, cảm tính. Ví như qua nghiên cứu thấy rõ tác giả này đã có một hành trình tìm hiểu triết học, tôn giáo cả ở phương Tây và phương Đông, không cực đoan về tư tưởng, biết kế thừa, đồng thời không chỉ lý thuyết suông mà còn dám dấn thân để trải nghiệm. Mai Văn Phấn cũng có những hạn chế khi có một giai đoạn sa vào phong cách viết tân hình thức giống như nhiều cây bút cùng thời khác. Tuy nhiên, sau đó anh đã chọn quay trở lại với truyền thống, dung nạp các giá trị văn hóa gốc rễ, tích hợp giá trị tư tưởng nhân loại và chuyển hóa nó vào thơ của mình.
- Anh có thể nói rõ hơn về lý thuyết này qua những ví dụ cụ thể?
- Ví như GS, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã có công trình nghiên cứu thi pháp thơ Tố Hữu. Nhưng đó là nghiên cứu theo phương pháp thi pháp học đã được đóng khung trong tác phẩm của Tố Hữu, trong không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật của tác phẩm chứ không nghiên cứu không gian đời sống ảnh hưởng đến thơ Tố Hữu như thế nào. Đó chính là sự khác biệt giữa nghiên cứu thi pháp học và nhân học vi mô.
- Hình như với điểm nhìn của một người nghiên cứu triết học, anh có những đồng cảm cá nhân với hành trình sáng tạo của nhà thơ Mai Văn Phấn?
- Có lẽ vậy. Ít nhiều sự đồng điệu sẽ cho chúng ta cảm hứng khi nghiên cứu về đối tượng, vấn đề mình quan tâm. Điều này cũng là lẽ bình thường. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy từng nói về những khoảnh khoắc chỉ có cảm nhận mà lý tính không thể giải quyết được. Tất nhiên, cảm tính có mặt khách quan và chủ quan, vấn đề là làm chủ cảm tính như thế nào.
- Qua hiện tượng Mai Văn Phấn, thấy rõ những chuyển biến trong việc chủ động quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
- Năm 2007, Mai Văn Phấn lập ra website: Maivanphan.com để quảng bá cho tác phẩm của mình. Nhiều dịch giả biết đến Mai Văn Phấn không phải qua giới thiệu mà là qua chính tác phẩm của nhà thơ này. Trong chuyên luận trên, chúng tôi đã dành một phần nói sâu về quá trình “xuất khẩu” thơ của Mai Văn Phấn như một hiện tượng của văn học đương đại. Mai Văn Phấn là người tiên phong trong khuynh hướng này. Xuất khẩu thơ, mới nghe có vẻ trái tai nhưng đã là sản phẩm thì nó được quyền và phải được lưu thông. Không phải ngẫu nhiên mà thơ của tác giả này được trang mạng kinh doanh online nổi tiếng Amazon.com trả tiền bản quyền đều đặn.
- Anh có nghĩ những nhận định của mình cũng như công trình nghiên cứu của các anh có thể sẽ nhận được những phản hồi trái chiều?
- Cái mới thì phải đi đường riêng và bao giờ cũng thế, trước hết nó phải đối mặt với sự cô đơn, sẵn sàng đối diện với sự chỉ trích phê phán... Bên cạnh đó, sự mở đường bao giờ cũng tạo nên ấn tượng mạnh mẽ. Hơn nữa tôi nghĩ rằng, thể nghiệm mới hay không mới chưa hẳn quan trọng, mà điều cần nhất là sự thể nghiệm đó có bổ sung và làm giàu cho văn hóa dân tộc thông qua phê bình văn học hay không? Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đã từng đưa phương pháp phân tâm học ở miền Nam ra miền Bắc một cách có hệ thống; rồi phương pháp tự sự học, phương pháp thi pháp học do GS Trần Đình Sử nghiên cứu, ứng dụng đã được bạn đọc ghi nhận, đồng thời được nhân rộng bởi nó có những đóng góp nhất định cho đời sống văn học và cho văn hóa dân tộc.
- Cảm ơn anh! Chúc anh có thêm nhiều công trình nghiên cứu hơn nữa cho đời sống văn học nước nhà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.