(HNM) - Ngày 21-5, trong báo cáo giám sát Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, có một số kiến nghị đáng chú ý
Trong mấy ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều ý kiến về cách điều hành giá xăng dầu hiện nay. Theo phân tích, so với ngày 9-5 (thời điểm giảm giá 500đ/lít xăng RON 92) thì hiện nay, trên thị trường quốc tế, mức giá xăng RON 92 tiếp tục giảm, ngang bằng với thời điểm 30-12-2011.
Ngày 28-12-2011 Bộ Tài chính ban hành quyết định khôi phục thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ 0% lên 4%, đồng thời giữ nguyên mức giá bán xăng RON 92 là 20.800đ/lít. Cơ quan chức năng tính toán, chịu thuế như vậy và bán mức giá ấy, các doanh nghiệp có lãi khoảng 400đ/lít và cộng thêm khoản lợi nhuận định mức 300đ/lít mà Bộ Tài chính đã phân bổ cho doanh nghiệp đầu mối trong công thức tính giá cơ sở thì thực chất tiền lãi là 700đ/lít.
Như nêu ở trên, hiện nay giá xăng RON 92 thị trường thế giới tương đương thời điểm trước và mức thuế nhập khẩu có 3% trong khi giá bán cho người tiêu dùng trong nước là 23.300đ/lít. Điều đó có nghĩa là bán mỗi lít xăng các doanh nghiệp có lãi với số tiền là 700đ + 2.500đ (23.300đ/lít - 20.800đ/lít) = 3.200đ/lít. Từ đó người ta nhẩm tính qua lượng xăng dầu tiêu thụ, mỗi ngày những doanh nghiệp đầu mối lớn có thể thu lãi khoảng 20 tỷ đồng, còn với những doanh nghiệp nhỏ hơn con số đó cũng lên tới 5-6 tỷ đồng/ngày.
Nhưng lạ là giá xăng không chịu giảm. Doanh nghiệp trả lời là chờ cơ quan điều hành. Cơ quan điều hành lại lấy lý do... đang theo dõi diễn biến của thị trường. Còn người tiêu dùng thì bức xúc.
Từ ví dụ cụ thể về giá xăng dầu để thấy những kiến nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ra là có lý do. Đã từng có những phát biểu của cả phía cơ quan điều hành lẫn các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu rằng phải làm nhiệm vụ an sinh xã hội, kiềm chế sự tăng giá đối với các mặt hàng có liên quan, nên tóm lại biết là lỗ nhưng phải chấp nhận. Và tiền lỗ là không ít, có những thời điểm tới hàng nghìn tỷ đồng. Thế rồi, khi tăng giá xăng, người ta lấy lý do "hài hòa lợi ích" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; kêu gọi người tiêu dùng "chia sẻ khó khăn". Có thời điểm cơ quan chức năng còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ "nhất quán điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường". Nhưng khi giá mặt hàng này trên thị trường quốc tế giảm thì người tiêu dùng… cứ chờ đấy! Và lại điệp khúc tăng nhiều, giảm nhỏ giọt, hoặc tăng nhanh, giảm chậm...
Phải chăng đó là sự không minh bạch? Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận hay đang "giúp" Nhà nước điều tiết nền kinh tế vĩ mô? Sự nhập nhèm đó, ai là người hưởng lợi? Thiệt hại của người tiêu dùng là thấy rõ, nhưng đây không phải là sự hy sinh lợi ích riêng tư cho nhà nước, cho lợi ích chung.
Riêng một mặt hàng như xăng dầu, người tiêu dùng đã khổ vậy. Còn những mặt hàng thuộc dạng "độc quyền" khác mà người sử dụng không có sự lựa chọn. Thế nên, xã hội lúc nào cũng phập phồng trong nỗi lo tăng giá và các cơ quan chức năng đau đầu suy tính các biện pháp nhằm bình ổn thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.