Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diện mạo mới trên cao nguyên xanh

Bình Yên| 17/07/2012 07:11

(HNM) - Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh (QP-AN).

Một góc thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai). Ảnh: Duy Tường


So với các vùng trong cả nước, Tây Nguyên còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng thấp. Ngày 18-1-2002, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng Tây Nguyên, tiếp đến ngày 17-7-2002 Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập, Thủ tướng cũng đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù nhằm phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm QP-AN vùng trọng điểm này. Sau hơn 10 năm, những chính sách đi vào cuộc sống đã giúp các tỉnh Tây Nguyên mở rộng quan hệ, tăng cường liên kết với các tỉnh, TP, trong đó có Thủ đô Hà Nội để huy động nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Niê Thuật cho biết, tỉnh đang tận dụng tối đa các nguồn lực và khả năng kết nối với các tỉnh trong khu vực để phát triển cây công nghiệp. Gần 200 nghìn hécta cây cà phê, hơn 32 nghìn hécta cây cao su, chưa kể hàng chục nghìn hécta cây hồ tiêu, ca cao… đã và đang giải quyết việc làm, bảo đảm cuộc sống cho số đông lao động thuộc 41 dân tộc anh em. Ngoài ra, 3 dự án tỉnh đầu tư gần 100 triệu USD nhằm phát triển cây cao su và một số cây công nghiệp tại hai tỉnh Mondulkiri và Rattanakiri (Campuchia) và tỉnh Chămpasắk (Lào) cũng hứa hẹn nhiều triển vọng, giúp tỉnh củng cố vị trí dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này.

Tương tự Đắk Lắk, tỉnh Đắk Nông có thế mạnh về cây công nghiệp, trồng rừng, khai khoáng và chế biến lâm sản. Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Huy khẳng định, tạo đột phá trong công nghiệp khai khoáng và năng lượng sẽ là con đường ngắn nhất đưa Đắk Nông thoát nghèo. Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng tìm thêm hướng đi mới, khai thác nguồn phụ phẩm từ gỗ tại chỗ để sản xuất các sản phẩm phục vụ nội địa và xuất khẩu. Và một công ty gỗ ván ép với công suất 120.000 m3/năm, ứng dụng công nghệ tiên tiến của Đức vừa ra đời tại huyện Đắk Song, mở ra triển vọng cho một ngành mới, tạo tiền đề để tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định 10-13%/năm.

Chạy đua với Đắk Lắk, Đắk Nông, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng đang kết hợp mạnh mẽ chủ trương phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao với du lịch sinh thái, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến nông sản cũng như trao đổi kinh nghiệm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia, những công trình điện, đường, trường, trạm, hệ thống nước sạch… đã làm khởi sắc diện mạo các thôn, buôn, bon. Đồng bào các DTTS yên tâm định canh, định cư. Chỉ riêng tại Đắk Lắk, đã có hơn 3.700 hộ được cấp đất sản xuất, gần 2 nghìn hộ được cấp vườn cây cà phê và vườn điều kinh doanh, hàng nghìn hộ khác được cấp tư liệu sản xuất, vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Còn tại Đắk Nông, thu nhập của người dân năm 2011 đã tăng gấp 2 lần so với năm 2005 khi mới tách tỉnh. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn của Đắk Nông đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và có trạm y tế. Đa số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở…

Thực tiễn cho thấy, muốn phát triển Tây Nguyên bền vững thì phải dựa trên nền tảng bảo đảm QP-AN, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, các tỉnh Tây Nguyên không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Nếu Đắk Nông thực hiện chủ trương đưa cán bộ trẻ, có năng lực về giúp cơ sở; tập trung xây dựng các chi bộ đảng ở thôn, buôn, bon, vùng đồng bào DTTS vững mạnh thì Đắk Lắk lại chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ở 2.445 thôn, buôn, tổ dân phố, để lực lượng này bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Còn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng đã chú ý đến công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ người DTTS; đổi mới hoạt động MTTQ và các đoàn thể chính trị theo hướng gần dân, sát dân, chăm lo quyền lợi chính đáng cho dân.

Từ thực tiễn của Hà Nội cho thấy, phát triển kinh tế phải đi đôi với chăm lo đời sống nhân dân, hơn hết xây dựng được đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị vững mạnh. Đó chính là những yếu tố bảo đảm giữ vững ổn định chính trị. Với tinh thần "vì cả nước", Hà Nội sẵn sàng chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các tỉnh đào tạo cán bộ, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, góp sức mình cùng cả nước chăm lo, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo mới trên cao nguyên xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.