(HNM) - Mặc dù đang trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị với không ít khó khăn, vướng mắc, song để thực hiện mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giảm gánh nặng cho hạ tầng giao thông Thủ đô, những năm qua, Bộ Giao thông - Vận tải và thành phố Hà Nội đã và đang quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để sớm đưa các dự án đường sắt đô thị “về đích”.
Điển hình phải kể đến tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông, “mảnh ghép” đầu tiên của hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng, chậm nhất là ngày 31-3-2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội cũng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt thiết bị để có thể hoàn thành mục tiêu khai thác đoạn trên cao trong năm 2021.
Không dừng ở đó, theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm 4 tuyến đường sắt đô thị nhằm hình thành một hệ thống đường sắt đô thị rộng khắp; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, nhưng quá trình triển khai Hà Nội đang đối diện với không ít khó khăn như công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư,... Do vậy, để có thể sớm hoàn thiện được mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch, đòi hỏi phải chuẩn bị thật tốt các điều kiện để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Nhiệm vụ trước mắt là các cấp, ngành chức năng phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Thực tế cho thấy, hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ đều gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Để tránh đi vào “vết xe đổ”, công tác giải phóng mặt bằng cần đi trước một bước, chuẩn bị sớm, kỹ lưỡng và cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị. Quá trình triển khai giải phóng mặt bằng phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân có đất bị thu hồi về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của hệ thống đường sắt đô thị, từ đó đồng thuận, hợp tác và nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Cùng với mặt bằng, vốn cũng là khâu cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi triển khai các dự án đường sắt đô thị. Để giải quyết vấn đề này, cùng với việc chủ động các nguồn vốn vay ưu đãi, trong quá trình phát triển các dự án, cần khai thác tối đa quỹ đất dọc các tuyến đường; đấu giá quỹ đất xen kẹt để tạo nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đường sắt; có chính sách khai thác nguồn lợi từ chính các dự án đường sắt đô thị để tạo thêm nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, quá trình triển khai các dự án, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đơn vị thi công thực hiện đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, an toàn, đúng tiến độ đề ra. Kiên quyết loại bỏ đơn vị thi công thiếu trách nhiệm, năng lực yếu gây thất thoát nguồn vốn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cộng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch sẽ sớm hoàn thành, góp phần tích cực trong việc tạo nên diện mạo mới cho thành phố, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.