Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện hạt nhân: Nhận thức đúng, hiểu biết đủ

Quỳnh Phạm| 30/07/2013 07:40

(HNM) - Cuối năm nay, dự án Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 cũng sẽ xong những bước đầu tiên này để tiến tới khởi công xây dựng nhà máy ĐHN tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững nguồn năng lượng này, việc cần làm hiện nay là giúp người dân nhận thức và hiểu biết đúng đắn về sự cần thiết của nó trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Phối cảnh Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.



Một giải pháp đúng

Các nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống, sẵn có trong nước như than, dầu mỏ, khí, thủy điện… dự báo sẽ không đủ để cung cấp nhiên liệu cho nhu cầu trong nước nói chung và sản xuất điện nói riêng. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Việc nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất điện và nhập khẩu điện đã được tiến hành, nhưng cũng bị hạn chế và phụ thuộc vào nguồn cung, vào tình hình chính trị, diễn biến thị trường năng lượng trên thế giới, đặc biệt là trong tương lai một số thị trường xuất khẩu năng lượng sẽ bị thu hẹp và cạnh tranh giữa các nước nhập khẩu sẽ tăng. Ngoài ra, khả năng dự trữ nhiên liệu nhập khẩu dài ngày (kho, bãi, bể chứa…) cũng hạn chế. Các nguồn năng lượng mới (gió, mặt trời, địa nhiệt…) đã và đang được nghiên cứu, khai thác, nhưng không ổn định, giá thành còn cao. Trong một thời gian dài nữa, các nguồn này chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng năng lượng quốc gia.

Trong vài chục năm tới chưa có thêm các nguồn năng lượng mới khác được đưa vào khai thác và sử dụng thương mại rộng rãi với giá cả hợp lý, chấp nhận được. "Như vậy, xét về dài hạn, các giải pháp hiện nay tiềm ẩn khả năng không đáp ứng được nhu cầu, không bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng cho đất nước", ông Lê Doãn Phác, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) khẳng định.

Trong bối cảnh tương lai năng lượng như vậy, phát triển ĐHN được xem xét và chấp nhận. Theo các chuyên gia, phát triển ĐHN góp phần bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng, tăng cường khả năng độc lập về năng lượng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường do phát thải ít khí nhà kính… Quyết định phát triển ĐHN đã được xem xét trên cơ sở góp phần bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường và mang lại nhiều lợi ích khác.

Nhưng nhiều thách thức

Song song với những lợi ích có được từ ĐHN, các chuyên gia cũng không quên cảnh báo về những khó khăn, thách thức trong việc phát triển nguồn năng lượng này. Đó là những rào cản mà bất cứ nước nào cũng phải vượt qua như cam kết dài hạn của Chính phủ, bảo đảm an toàn và an ninh ở mức độ cao, quản lý lâu dài nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải hạt nhân. Bên cạnh đó, các dự án ĐHN cần sự chấp thuận và ủng hộ của công chúng, đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, quá trình xây dựng nhà máy kéo dài và có thể có rủi ro, cần nguồn nhân lực được đào tạo tốt. Ông Lê Doãn Phác cho biết, đối với các quốc gia có cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp như Việt Nam, việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên trung bình mất khoảng 15 năm.

Trên thực tế, có những quốc gia đã có nhà máy ĐHN nhưng vẫn cần rất nhiều năm để phê chuẩn cho việc xây dựng một nhà máy mới. Là một quốc gia bắt đầu chương trình ĐHN, Việt Nam lại càng gặp nhiều khó khăn, thách thức như chưa có kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng ở mức độ thấp, khuôn khổ luật pháp, hệ thống đào tạo, nghiên cứu và phát triển cũng như các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho dự án ĐHN chưa đáp ứng được yêu cầu. Bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, sự cố hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) cũng có tác động tới chương trình.

Với chủ trương tiến hành chương trình dựa trên một cơ sở hạ tầng quốc gia cho ĐHN, công tác xây dựng nhà máy ĐHN đang trong giai đoạn chuẩn bị, tiến tới việc mời thầu nhà máy ĐHN đầu tiên. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm về thể chế, luật pháp, quản lý, công nghệ, công nghiệp và nhân sự cho ĐHN, tuân thủ nghiêm chỉnh các văn kiện pháp luật quốc tế, các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân, các hướng dẫn về an ninh và các yêu cầu về bảo đảm không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhiệm vụ cấp bách là phát triển nguồn nhân lực cho nhà máy ĐHN hiện cũng đang được tích cực triển khai. Tháng 4-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy ĐHN. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo các chuyên ngành liên quan ĐHN còn thiếu nhiều điều kiện, lại khó tuyển được người giỏi do sinh viên học ngành này vất vả, tương lai công việc chưa rõ ràng. Để khắc phục, Chính phủ đã có nhiều quy định chính sách ưu đãi, thu hút nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Cân đối giữa lộ trình đào tạo và dự kiến thời gian khởi công nhà máy đầu tiên, các chuyên gia cho rằng, bài toán nhân lực không phải là không giải được.

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), một hệ thống năng lượng hạt nhân phát triền bền vững là hệ thống phải đáp ứng được hàng loạt yêu cầu như: Cạnh tranh kinh tế, an toàn hạt nhân, quản lý chất thải hạt nhân, không ảnh hưởng xấu tới môi trường, có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết, bảo đảm an ninh vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân. Vì vậy, nhận thức đầy đủ và thực hiện những yêu cầu này, chứ không thiên lệch, chỉ tập trung vào 1, 2 tiêu chí nào đó khi phát triển ĐHN cũng là điều mà các chuyên gia khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện hạt nhân: Nhận thức đúng, hiểu biết đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.