Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diễn đàn Châu Á Bác Ngao: Động lực mới và tầm nhìn mới

Quang Huy| 23/03/2016 06:47

(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc, Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2016 được cho là nơi để các nước trong khu vực tăng cường hợp tác, tạo động lực để thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và tìm ra những giải pháp chống lại các ảnh hưởng xấu mà nền kinh tế thế giới đem lại.


Khai mạc ngày 22-3, tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) với chủ đề "Tương lai mới của Châu Á: Động lực mới và Tầm nhìn mới", hội nghị thường niên Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2016 tập trung thảo luận nhiều vấn đề từ đối ngoại, hợp tác khu vực đến nông nghiệp, công nghệ, doanh nghiệp, quản trị toàn cầu, kinh tế toàn cầu, tài chính…

Được thành lập từ năm 2001, Diễn đàn Châu Á Bác Ngao quy tụ các chính khách, doanh nghiệp và học giả hàng đầu khu vực với mục tiêu và nội dung được xác định tập trung chủ yếu về các vấn đề kinh tế đang nổi lên của Châu Á, nhất là tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và hội nhập khu vực. Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường trách nhiệm xã hội, hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực vì sự phát triển của một Châu Á thịnh vượng cũng là một tiêu chí mà diễn đàn hướng tới.

Kể từ khi thành lập, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Trung Quốc, Diễn đàn Bác Ngao đã thể hiện vai trò của một diễn đàn kinh tế có uy tín ở Châu Á. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng là nơi chính phủ các nước có thể chia sẻ những ý tưởng nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính - ngân hàng. Diễn đàn Bác Ngao ngày càng thu hút hơn sự quan tâm từ các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, đặc biệt là Châu Á.

Sự kiện năm nay diễn ra giữa lúc nền kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn như giá dầu giảm sâu ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các quốc gia, kinh tế Châu Á tiếp tục có nhiều biến đổi sâu sắc và đặc biệt kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tốc độ phát triển có xu hướng chậm lại…

Do vậy, đây có thể coi là dịp để các nước trong khu vực cùng nhau thảo luận, tìm ra "động lực mới, tầm nhìn mới" để vực dậy nền kinh tế Châu Á nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Theo nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Châu Á hiện nay có tác động đến toàn thế giới hơn bao giờ hết xét theo tình hình liên kết ngày càng tăng. Ngược lại, châu lục cũng bị tác động bởi những diễn biến kinh tế toàn cầu nên phải có những ứng phó kịp thời.

Đó là lý do quan trọng khiến diễn đàn năm nay thu hút hơn 300 diễn giả và 1.700 đại biểu, tham gia 80 hoạt động khác nhau như hội thảo chuyên đề, thảo luận bàn tròn, đối thoại trực tiếp… Các đại biểu tham dự tập trung thảo luận tất cả các góc độ khác nhau của tình hình kinh tế thế giới và Châu Á, trong đó đi vào 6 nội dung chính gồm đổi mới sáng tạo, liên kết khu vực, điều tiết vĩ mô nền kinh tế, vấn đề kinh tế nổi bật, hiện tượng kinh tế mới nổi và ngành nghề mới. Diễn đàn năm nay cũng là cơ hội quan trọng để thảo luận, tìm ra động lực mới cho sự phát triển của kinh tế thế giới, tìm kiếm phương thức mới quản lý thể chế kinh tế và tài chính toàn cầu, phát huy vai trò của Châu Á là đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vốn chưa hồi phục hoàn toàn sau cơn đại khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng lại tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro từ bất ổn chính trị và xã hội tại nhiều khu vực, quốc gia, Diễn đàn Bác Ngao 2016 không thể lập tức đưa ra những giải pháp để "vực dậy" nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với những giá trị Châu Á truyền thống cùng với quyết tâm, các nền kinh tế Châu Á sẽ đóng vai trò như một động lực phát triển mới đưa nền kinh tế thế giới đi vào quỹ đạo hồi phục.

Là một trong những thành viên sáng lập của diễn đàn, Việt Nam nhiều lần tham dự Hội nghị thường niên ở cấp Chính phủ và có nhiều đóng góp cho các kỳ hội nghị. Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2016 một lần nữa là cơ hội để Việt Nam tiếp tục nâng cao vai trò trong khu vực và tìm hiểu, thảo luận, chia sẻ ý kiến với các nhà lãnh đạo thế giới và khu vực về những thay đổi trong các vấn đề kinh tế, tài chính, giáo dục, môi trường và khoa học công nghệ, góp phần mang đến một hình ảnh Việt Nam năng động, giàu tiềm năng, đổi mới và nỗ lực mạnh mẽ vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Châu Á Bác Ngao: Động lực mới và tầm nhìn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.