Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện đã về chiến khu Ba Lòng

Thanh Mai| 22/02/2010 07:10

(HNM) - Chiến khu Ba Lòng gồm 3 xã Ba Lòng, Triệu Nguyên và Hải Phúc, thuộc huyện Đakrông (Quảng Trị). Ba Lòng nằm gọn trong thung lũng thượng nguồn sông Thạch Hãn, kẹp giữa bốn bề là núi. Có lẽ do địa thế hiểm yếu, nên Ba Lòng được chọn làm chiến khu thời kỳ kháng chiến…


Dòng điện và những con đường ước mơ

Công trình Thủy điện Quảng Trị.  Ảnh: Ngọc Hà


Bí thư xã Ba Lòng nói, người dân Ba Lòng thực sự được đổi đời từ năm 1998, khi vùng đất cách mạng có điện thắp sáng. Những năm trước, khoảng 10.000 người dân Ba Lòng sống gần như biệt lập với bên ngoài, tự sản tự tiêu, cuộc sống gần như tự cung tự cấp. Ba Lòng chỉ có trường trung học cơ sở (THCS), nên học sinh học hết bậc này là nghỉ vì đi lại khó khăn, cứ mưa lớn là nước dâng rất nhanh, người dân gọi là "lũ hỗn". Ba Lòng lúc ấy điện thoại không có, điện thắp sáng cũng không. Sau khi có điện, Ba Lòng lại được xây cầu bắc qua sông Ba Lòng vào dịp Quốc khánh năm 2009. Giờ đây, Ba Lòng đã có điện, có cầu, lại có cả điện thoại. Người dân Ba Lòng toại nguyện lắm rồi.

Đưa chúng tôi vào Ba Lòng, anh Chánh Văn phòng Điện lực Quảng Trị kể, vào thời điểm Điện lực Quảng trị khảo sát để xây dựng đường điện 35kV đưa điện về Ba Lòng, đến được chiến khu chỉ có duy nhất đường sông Thạch Hãn. Mỗi chuyến từ Ba Lòng về thị xã Quảng Trị và ngược lại, dù chỉ hơn hai chục cây số nhưng phải mất cả ngày. Đường bộ từ km 41, quốc lộ (QL) 9 vào, ô tô không đi được vì chưa có cầu bắc qua sông. Bây giờ ô tô đã đi vào được trung tâm các xã. Cùng với cây cầu là con đường trải nhựa dài khoảng 22km nối từ km 41 QL 9 chạy vào trung tâm xã Triệu Nguyên, Ba Lòng và Hải Phúc. Chị Hồ Thị Hạnh, người dân tộc Vân Kiều ở xã Ba Lòng tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ. Khi được hỏi về cuộc sống, công việc và ước mơ của những người sống trong "chiếc nôi" cách mạng đã nhiều năm gian khổ, khó khăn… dù tiếng Kinh không sõi, nhưng những gì chị nói chúng tôi đều hiểu được, là lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đưa ánh sáng về cho người dân, đã xây cầu, làm đường để người Ba Lòng bớt bao nhọc nhằn trong cuộc sống. Chị Hạnh chỉ vào chiếc ti vi 21inch gắn ăng ten parabol và chiếc điện thoại cố định không dây cười nói với chúng tôi, bây giờ người dân Ba Lòng có thể biết được nhiều chuyện ở trong và ngoài nước; nghe được giọng nói của người thân dù đang ở xa là nhờ những thứ mà Đảng đem đến.

Phó Trưởng phòng Thống kê huyện Đakrông Nguyễn Hữu Đông cho biết, năm 2009, thời tiết từ vụ đông xuân đến hè thu đều thuận lợi, không có dịch bệnh gì xảy ra với cây trồng, nên năng suất, sản lượng đều đạt khá: lúa nước đạt 40,5tạ/ha, ngô: 13,5 tạ/ha, lạc:16,5 tạ/ha. Tuy nhiên, đầu tháng 10-2009, do cơn bão số 9 gây ra lũ lụt lớn trên diện rộng, nên diện tích lúa nước chưa thu hoạch ở ven sông suối, một phần lúa nương bị hư hại. Cơn bão số 9 cũng làm nhiều đàn gia súc, gia cầm bị trôi. Biết tôi là PV Báo Hànộimới, anh Đông đã nhắc lại câu chuyện cảm động trong chuyến đi hỗ trợ bà con các vùng bị thiệt hại của Đoàn công tác Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới: Bà con Đakrông vô cùng biết ơn tấm lòng thơm thảo của tờ báo Thủ đô, những tình cảm ấy đã giúp người dân Đakrông thêm nghị lực vượt qua cơn hoạn nạn...

Quảng Trị: Nhiều lợi thế cần được khai thác

Quảng Trị tuy đất không rộng, người không đông, nhưng giàu tiềm năng về tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực và có những lợi thế về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cho vai trò trọng yếu trên một vị trí chiến lược quan trọng trong việc khai thác, bảo vệ vùng biển Đông và trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Mặc dù trong chiến tranh, Quảng Trị bị tàn phá nhiều, nhưng vài năm gần đây các khu công nghiệp (KCN) cùng với cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng đã hình thành, phát triển khá nhanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư và đang hoạt động tốt như KCN Nam Đông Hà, Quán Ngang. Khu kinh tế thương mại Lao Bảo, Trung tâm Thương mại Đông Hà cùng các vệ tinh thương mại huyện, thị xã, thị trấn phát triển khá ổn định. Các cụm điểm du lịch như Lao Bảo - Khe Sanh, Đakrông, Đông Hà và các vùng lân cận, cụm điểm du lịch sinh thái biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ và các dịch vụ du lịch được đầu tư, phát triển. Mạng điện lưới quốc gia được phát triển, 100% số xã, phường được sử dụng điện. Công trình thủy lợi, thủy điện Rào Quán đã được đưa vào vận hành hòa lưới điện quốc gia, làm tăng thêm năng lực, ổn định điện của hệ thống, bảo đảm cho việc sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Với những lợi thế trên, kinh tế Quảng Trị đã phục hồi khá nhanh sau ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sản lượng điện năm 2009 vẫn tăng trưởng ở mức cao, 18,03% so với năm 2008, giá bán bình quân tăng 116,98 đồng/kWh; doanh thu từ dịch vụ viễn thông là 10,4 tỷ đồng trên tổng số 36.230 thuê bao. Được biết, năm 2009, điện lực đã tiếp nhận và bán điện đến tận hộ sử dụng được 58 xã. Dự kiến, đến tháng 6-2010 sẽ hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên toàn tỉnh.

Quảng Trị nói chung và Ba Lòng nói riêng chưa hết khó khăn, nhưng với con người và vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ... Quảng Trị, Ba Lòng sẽ vững vàng vượt qua thử thách để phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện đã về chiến khu Ba Lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.