Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện Biên - Nỗi nhớ tháng Ba

Thế Dũng| 13/03/2014 06:34

(HNM) - 60 năm sau ngày mở màn

Đại công trường cho Đại lễ

Tối ngày 7-3, chúng tôi được tiếp chuyện Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên Nguyễn Thanh Tùng tại nhà riêng của ông nằm trên một con phố nhỏ của TP Điện Biên Phủ. Khi biết chúng tôi là đoàn phóng viên Báo Hànộimới, ông vui vẻ cho biết: "Mình quê ở xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) đây. Các đồng hương cần cung cấp thông tin gì mình xin sẵn sàng". Rồi không đợi chúng tôi hỏi, ông đã chủ động giới thiệu về sự chuẩn bị của Điện Biên cho công tác kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó nổi bật là hoạt động diễu binh, mít tinh trọng thể theo nghi lễ quốc gia sẽ diễn ra tại sân vận động tỉnh sáng ngày 7-5. "Cuối năm 2013, Điện Biên đã có những chuẩn bị tích cực cho lễ kỷ niệm. Sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm, đầu tư cơ sở hạ tầng... được triển khai đồng loạt. Đặc biệt, 7.000 chiến sĩ lực lượng vũ trang đang tích cực chuẩn bị cho đại lễ duyệt binh ngày 7-5" - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.

Khách tham quan di tích hầm Đờ Cát.



Đúng như lời Phó Bí thư Nguyễn Thanh Tùng, những ngày này TP Điện Biên Phủ như một đại công trường sôi động. Không chỉ trục đường 7-5 ở trung tâm thành phố được chỉnh trang mà dự án "Nâng cấp Khu trung tâm hành lễ và Nhà tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ A1" cũng đang được tiến hành khẩn trương. Bởi, sau 20 năm đưa vào sử dụng, với hàng nghìn lượt người đến thăm viếng mỗi năm, nhiều hạng mục ở đây đã xuống cấp. Do đó, Nghĩa trang liệt sĩ A1 đang được nâng cấp với tổng mức đầu tư gần 54 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Xây mới Nhà tưởng niệm; nâng cấp, mở rộng và lát lại toàn bộ thềm cấp của sân Khu trung tâm hành lễ, trục đường hành lễ và toàn bộ đường đi trong nghĩa trang; chỉnh trang các phần mộ; thay biển đồng tên liệt sĩ; sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng... Tương tự, công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10-2012, trên diện tích hơn 22.000m2, với tổng mức đầu tư hơn 210 tỷ đồng cũng đang trong giai đoạn thi công chạy đua tiến độ. Theo thiết kế, nhà bảo tàng gồm một tầng hầm và một tầng nổi, có dạng hình nón cụt, phần trang trí xung quanh được tạo hình quả trám tượng trưng như tấm lưới ngụy trang của chiếc mũ bộ đội. Diện tích khu vực bổ trợ sự kiện, trưng bày ngoài trời rộng 15.000m2, sử dụng hiện vật hình khối lớn phản ánh quy mô vũ khí, phương tiện chiến tranh của quân Pháp và Quân đội nhân dân Việt Nam; sự mưu trí, tinh thần anh dũng quả cảm, những hiện tượng độc đáo trong đời sống chiến đấu của quân và dân ta... Đặc biệt, toàn bộ phía trong tầng 2 của nhà bảo tàng sẽ được thiết kế bức tranh panorama tròn đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam (tính đến thời điểm xây dựng), sẽ tái hiện một cách chân thực nhất chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Không chỉ chú ý đến các công trình hạ tầng, những ngày tới tại Điện Biên còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn như: Tuần Văn hóa, du lịch Điện Biên (từ ngày 13 đến 15-3), đua xe đạp "Về với Điện Biên" (tháng 5-2014), chương trình nghệ thuật "Điện Biên Phủ bản hùng ca bất diệt" (ngày 6-5)... Ngoài ra, để đón lượng khách đổ về dịp Đại lễ 7-5, Điện Biên cũng đã chuẩn bị trên 1.500 phòng nghỉ đủ tiêu chuẩn để đón khách. Ngành VH,TT&DL cũng phối hợp với các địa phương tập huấn kỹ năng đón, phục vụ khách cho nhiều bản văn hóa dọc tuyến đường vào Điện Biên và đi Lai Châu.

Hào khí Điện Biên Phủ sống mãi

Tròn 60 năm sau ngày giải phóng, Điện Biên hôm nay chưa phải đã hết khó khăn. Lấy ví dụ ngay chuyện học con chữ để có kiến thức thoát cái đói, cái nghèo cũng đã đầy gập ghềnh, gian nan. Trên những nẻo đường đi qua, những người chúng tôi gặp trong quãng thời gian ngắn ngủi tại Điện Biên đâu đâu cũng thấy những con người vượt lên hoàn cảnh, số phận.

Cô Trần Phong Lan, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Nà Nhạn (xã Mường Lói, huyện Điện Biên) ngày nào cũng đi đi về về gần năm chục cây số để đến với học trò. Trường có gần 290 học sinh đều là người dân tộc, trong đó hơn 40% học sinh phải ở nội trú dù nhà chỉ cách trường chưa tới chục cây số theo đường chim bay, nhưng phải băng rừng, lội suối, trèo đèo. Cô Lan kể, để học sinh đến lớp là cả một vấn đề, mỗi năm học không biết bao nhiêu lần các giáo viên của trường phải lặn lội tới từng gia đình để vận động người dân cho con em tới lớp. Ngay như tiền ngân sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số ở nội trú, nhà trường cũng "không dám" sử dụng hết mà phải dành một phần hỗ trợ gia đình học sinh, giúp bà con khắc phục khó khăn trong cuộc sống. Còn với học sinh, tháng nào các cô cũng phải bỏ tiền túi ra lo chuyện quần áo, giấy bút, sách vở. Vậy nên mức lương đã được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi của giáo viên trong trường cũng trở nên hạn hẹp... Vậy mà ngày qua ngày, cô Lan cũng như hàng nghìn giáo viên khác đã không bỏ cuộc. Họ miệt mài đem vốn văn hóa, tri thức tới đồng bào các dân tộc, để mảnh đất này 60 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã thực sự "thay da, đổi thịt".

Trong tiết trời oi ả của nắng sớm tháng Ba vùng Tây Bắc, dòng người đến tham quan di tích Mường Phăng; đồi A1, C1, D1, E1: hầm Đờ Cát; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập... đông hơn hẳn quãng thời gian trước. Đọc vội bảng danh sách các đoàn khách đến thăm chiến trường xưa do một nhân viên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đưa, thấy đủ mọi lứa tuổi, đến từ nhiều miền của Tổ quốc, trong đó có khá nhiều khách Châu Âu, đặc biệt là người Pháp.

Rảo theo bước chân nhóm bạn trẻ ghé thăm hầm Đơ Cát, Hà Thu Hằng (sinh viên ĐH Tây Bắc) cho biết: Em cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì đất nước mình đã có những chiến thắng lẫy lừng như thế. Khi được hỏi rằng lớp trẻ bây giờ có lãng quên quá khứ, Hằng nói: "Em nghĩ, nói giới trẻ thờ ơ với quá khứ là không đúng đâu, chẳng qua chỉ là một bộ phận rất nhỏ mà thôi. Thế hệ chúng em không thích hô hào suông mà mỗi người phải tự thể hiện sự biết ơn lịch sử qua việc cố gắng làm tốt những việc làm hằng ngày của mình, trong bất kỳ lĩnh vực nào". Trong khi đó, ông Pascal Dumontier, du khách Pháp vừa mải mê ngắm nhìn chiếc xe tăng của quân Pháp được đặt trên đồi A1 vừa cho biết: Ở Pháp, chúng tôi thường nghe rất đơn giản rằng, quân đội Pháp đã bị bẫy ở Điện Biên Phủ, nhưng tôi không hiểu vì sao họ lại rơi vào cái bẫy này. Tôi đến đây để tìm hiểu về điều đó và giờ tôi đã hiểu vì sao"...

Những ngày tháng Ba, đâu đó dọc suốt cung đường từ Sơn La lên Điện Biên, dường như tiếng ầm ì của đoàn quân kéo pháo, dường như tiếng cười rộn rã của dân công hỏa tuyến, của đồng bào các dân tộc Tây Bắc ngày ấy vẫn ùa về thao thức khôn nguôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên - Nỗi nhớ tháng Ba

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.