Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diễn biến giá cả còn nhiều bất hợp lý

Hương Ly| 12/07/2013 07:00

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 2,4% so với thời điểm cuối năm 2012 khiến nhiều người tỏ ra lạc quan về khả năng giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát do Quốc hội đặt ra từ đầu năm ở mức dưới 8%.


Song sự mất công bằng trong thương mại vẫn thể hiện nhiều mặt hàng tăng, giảm giá bất hợp lý. Nếu giá điện, xăng dầu điều chỉnh tăng những tháng cuối năm, mặt bằng giá sẽ chịu tác động rõ nét khiến CPI tăng mạnh. Đây là những vấn đề được thảo luận tại hội thảo "Diễn biến giá cả thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo năm 2013" do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức ngày 11-7, tại Hà Nội.

Giá cả 6 tháng đầu năm có những diễn biến bất thường. Ảnh: Thanh Hải


Lạm phát thấp và những dấu hiệu bất thường

Với mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua (chỉ tăng 2,4% so với năm 2012), lạm phát đã không còn là "con ngựa bất kham" như cùng kỳ nhiều năm gần đây. Trước việc CPI tăng chậm, nhiều ý kiến cho rằng, đây là những tín hiệu lạc quan để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa ra những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt, giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn trì trệ hiện nay.

Song theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, diễn biến giá thị trường 6 tháng đầu năm cho thấy giá cả lúc tăng lúc giảm, lên xuống thất thường. Cụ thể, CPI tăng 1,25% tháng 1, tháng 2 là 1,32% sau đó -0,19% vào tháng 3, tăng 0,02% vào tháng 4 và tiếp tục -0,06% vào tháng 5, sang tháng 6 lại tăng nhẹ 0,05%. Sự trồi sụt, tăng giảm không lớn cho thấy có vấn đề giữa cung - cầu hàng hóa và sản xuất - tiêu dùng trong xã hội. Bởi việc giá cả không ổn định là biểu hiện của sự trì trệ trong mối quan hệ sản xuất và tiêu dùng, thể hiện qua sức mua trên thị trường rất yếu. Sáu tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ đạt 4,9%. Trong khi đó, lượng hàng hóa tồn kho hiện còn khá lớn. Sức tiêu thụ chậm sẽ khiến sản xuất phải thu hẹp, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, có thể sẽ mất khả năng thanh toán.

Nhận xét về thực trạng này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội cho biết, trên thị trường đang xảy ra tình trạng mất công bằng trong thương mại. Nghịch lý nổi bật thời gian qua là giá hàng hóa đầu vào của sản xuất nông, ngư nghiệp gồm: Phân bón, giống, thức ăn gia súc, gia cầm, điện, nước, xăng dầu, phí vận chuyển tăng rất mạnh. Song giá sản phẩm làm ra không tăng, thậm chí còn bị giảm, ép giá. Đơn cử thời điểm tháng 4 đến tháng 6-2013, giá lợn hơi nông dân bán ra chỉ khoảng 30-35.000 đồng/kg, song giá bán lẻ tại chợ đã đội lên 55-60.000 đồng/kg. Giá gạo tẻ thường nông dân bán ra chỉ 5.500 - 6.000 đồng/kg nhưng người tiêu dùng phải mua với mức 11-13.000 đồng/kg. Trong khi đó, tình trạng lợi dụng độc quyền để nâng giá bán nông sản như vụ việc Công ty CP Thái Lan hai lần nâng giá trứng đã khiến dư luận bất bình và cơ quan chức năng phải vào cuộc. Điều này cho thấy, giá nhiều mặt hàng cần tăng lại không tăng trong khi giá nhiều loại hàng hóa cần giảm lại không giảm. Nghịch lý này kéo dài đã làm thui chột ý chí của người sản xuất, còn quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là được mua hàng với giá hợp lý cũng không được bảo đảm.

Tăng kích cầu, nới tín dụng để tạo đà tăng trưởng

Dự báo về diễn biến giá thị trường những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ có nhiều yếu tố khiến tốc độ tăng CPI sẽ mạnh hơn. Bởi sức mua của xã hội có xu hướng tăng lên khi năm học mới bắt đầu với nhu cầu mua sắm trang bị của một lực lượng lớn học sinh, sinh viên. Đặc biệt, nếu có sự điều chỉnh tăng giá bán điện và tăng giá xăng dầu, chỉ số CPI sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn, trong khi đó việc điều hành giá của nhóm hàng hóa này vẫn mang nặng tính độc quyền.

Để giữ ổn định CPI đồng thời tạo ra những "cú hích" hiệu quả nhằm kích thích GDP tăng trưởng, PGS- TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần tăng cường các gói kích cầu nền kinh tế và nới lỏng tín dụng hợp lý để kích thích nền kinh tế tăng trưởng phù hợp. Bên cạnh việc triển khai gói hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà trị giá 30.000 tỷ đồng, cần coi trọng việc sử dụng hiệu quả các dự án đầu tư vào công trình công cộng nhằm tạo việc làm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên PGS-TS Ngô Trí Long khuyến cáo, khi triển khai các gói kích cầu, cần giữ thái độ cẩn trọng bởi "sức khỏe" của nền kinh tế hiện chưa ổn định. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, cần có những gói hỗ trợ lớn và kích cầu mạnh. Việc kiểm soát lạm phát ở nước ta trên thực tế chưa bền vững, rất dễ bùng phát trở lại nếu thiếu kiểm soát. Do vậy, cần kiềm chế lạm phát ngay cả khi chỉ số này ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới.

Để kiểm soát tốt giá cả, theo ông Vũ Vinh Phú, cần sớm tổ chức lại hệ thống phân phối nội địa một cách cơ bản, thiết lập chuỗi sản xuất phân phối thẳng từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm giảm bớt các khâu trung gian. Việc làm này sẽ giúp cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… với mức giá hợp lý tới tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, chủ động sản xuất nguyên liệu đầu vào, sản phẩm chủ lực phục vụ nền kinh tế như: Phân bón, thức ăn gia súc, xăng dầu… Kiên quyết chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại nhằm thực hiện "thương mại công bằng", qua đó giúp kiểm soát tốt giá cả và tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn biến giá cả còn nhiều bất hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.