Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm tựa của người lao động

Minh Ngọc| 29/05/2020 07:04

(HNM) - Việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp người nông dân, người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức được hưởng lương hưu khi về già, được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe và nhiều quyền lợi khác. Nhằm tạo điểm tựa an sinh xã hội cho người lao động, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia chính sách này.

Diễu hành lưu động tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Thu Hiền

Kết quả chưa như kỳ vọng

Anh Nguyễn Duy Tưởng, thôn Ba Dư, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) thường làm công việc tự do, không có hợp đồng lao động, nên không thuộc diện được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Song, anh luôn mong muốn tham gia chính sách này để có khoản tiền lương hằng tháng khi tuổi cao, sức yếu. Sau khi tìm hiểu kỹ về chính sách BHXH tự nguyện, năm 2019, anh Tưởng đăng ký tham gia với mức đóng 300.000 đồng/tháng, trong thời gian 20 năm. “Mỗi tháng dành một số tiền không lớn để đóng BHXH, nhưng bản thân tôi và gia đình được thụ hưởng rất nhiều lợi ích. Ngoài khoản tiền lương hằng tháng khi về già, tôi còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất”, anh Tưởng nói.

Cùng với anh Nguyễn Duy Tưởng, cả nước hiện có gần 600.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Đáng mừng hơn, số người tham gia chính sách an sinh này tăng nhanh trong những năm gần đây. “Năm 2019, cả nước có gần 297.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 107,1% so với năm 2018. Như vậy, số người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019 bằng cả giai đoạn 2008-2019. Kết quả này cho thấy, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo nội dung Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân”, bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho hay.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tự nguyện ở nước ta tuy tăng nhanh, song, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, hiện mới đạt gần 1,2% tổng số người trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, số người trong độ tuổi lao động làm nông nghiệp và các công việc ở khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động chiếm đa số. Điều này đồng nghĩa, một bộ phận không nhỏ người dân, người lao động ở nước ta sẽ thiếu giá đỡ an sinh khi về già.

Nhiều giải pháp “kích cầu”

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Nguyễn Thị Bích Thục, Phó Giám đốc BHXH huyện Thanh Oai đánh giá, thời gian qua, một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến “khoản để dành” khi tuổi già, đặc biệt do họ chưa hiểu rõ về tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện nên còn e ngại khi tham gia. Vì vậy, để chính sách đi sâu vào đời sống, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách cần được tăng cường; hệ thống đại lý thu BHXH cùng mạng lưới cộng tác viên cần được quan tâm mở rộng, phát triển.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Thục, nhờ công tác tuyên truyền đi vào từng ngõ, đến với mọi người, mọi nhà, riêng năm 2019, huyện Thanh Oai vận động được gần 1.000 người dân tham gia BHXH tự nguyện. Dự kiến, số người tham gia tiếp tục tăng trong năm 2020.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội chỉ rõ, đó là mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp; thời gian đóng để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên), nên chưa thu hút, khuyến khích được đông đảo người dân tham gia, nhất là lao động làm nông nghiệp, làm công việc tự do.

Hiện tại, người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng, tương ứng 46.200 đồng/tháng; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng... Từ thực tế này, ông Nguyễn Đức Hòa kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi quy định về điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu và tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện…

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trên cơ sở đề xuất của BHXH Việt Nam, thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ban hành kế hoạch tuyên truyền về BHXH giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật BHXH cho phù hợp với thực tiễn đời sống, trình các cơ quan chức năng xem xét, thông qua.

Còn ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, BHXH tự nguyện là một hợp phần quan trọng trong chính sách BHXH, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục phối hợp với hệ thống bưu điện tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia. Hai ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, mở rộng giao dịch điện tử cấp độ 3 và 4; đồng thời phát triển mạng lưới cộng tác viên và đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế đến thôn, làng, bản, tổ dân phố… Phấn đấu trong năm 2020, cả nước có thêm ít nhất 300.000 người tham gia, nâng tổng số người có tên trong danh sách BHXH tự nguyện lên khoảng 900.000 người và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa của người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.