Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm tựa cho trẻ khuyết tật

Thảo Nguyên| 31/07/2012 08:01

(HNM) - 36 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội đã chăm sóc, phục hồi chức năng cho hàng nghìn trẻ khuyết tật. Nhiều em trong số ấy giờ đã trưởng thành, trở thành cán bộ trong các cơ quan nhà nước hay những doanh nhân thành đạt.


Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An được thành lập năm 1976, với chức năng, nhiệm vụ phục hồi chức năng lao động cho con thương binh, liệt sỹ. Dần dần, trong quá trình hoạt động, trung tâm đã mở rộng, tiếp nhận cả trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đến phục hồi chức năng và học chữ, học nghề. Hiện trung tâm đang chăm sóc, nuôi dạy, phục hồi chức năng cho khoảng 200 trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt như thế.

Chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tàn tật.


Chị Nguyễn Thị Vinh, điều dưỡng viên, người có thâm niên hơn 10 năm làm việc ở trung tâm cho hay, hầu hết trẻ khuyết tật ở đây là trẻ đa tật, vừa thiểu năng trí tuệ, vừa khuyết tật vận động, lại khiếm thính... nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các cháu gặp rất nhiều khó khăn. "Nhiều cháu, khi chúng tôi đang hướng dẫn cách phục hồi chức năng thì bỗng quậy phá, la hét, quấy khóc, thậm chí lên cơn phát cuồng, cấu xé. Chăm sóc các cháu, các bảo mẫu phải có tình thương của người mẹ và lòng kiên nhẫn", chị Vinh tâm sự. Tận mắt nhìn những đứa trẻ khuyết tật với gương mặt ngây dại, nụ cười ngờ nghệch, những cái miệng méo xệch, hoặc đôi chân cong vẹo hay mềm nhũn, đôi tay co cứng hay teo tóp… chúng tôi càng thấu hiểu nỗi đau đớn của các em cùng sự khó nhọc của những người chăm sóc, những người làm công tác bảo mẫu nơi đây.

Trung tâm hoạt động theo mô hình phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ khuyết tật, kết hợp chặt chẽ giữa phục hồi chức năng, y học và giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề. Đến nay, sau 36 năm hoạt động, trung tâm đã đón nhận và phục hồi chức năng cho gần 2.000 trẻ; tư vấn, phục hồi chức năng cho 2.255 trẻ; phẫu thuật chỉnh hình cho 500 trẻ; cấp dụng cụ chỉnh hình cho 688 trẻ; khám và điều trị cho hơn 25.000 lượt trẻ... Ngoài việc được chăm sóc, phục hồi chức năng, trẻ khuyết tật của trung tâm còn được học văn hóa tại các trường học ở địa phương. Mỗi năm, trung tâm có từ 50 cháu đến 60 cháu theo học ở các bậc tiểu học, THCS, THPT, tỷ lệ lên lớp đạt 95-100%, trong đó tỷ lệ khá, giỏi chiếm 45-50%. Nhiều học sinh của trung tâm đạt học sinh giỏi cấp huyện, thành phố, nhiều em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Ông Trần Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An cho biết, nhiều trẻ khuyết tật ở trung tâm, sau khi trở về với gia đình, trưởng thành đã trở thành những cán bộ trong các cơ quan nhà nước hay những doanh nhân thành đạt. "Chẳng hạn như chị Đoàn Thị Gấm, liệt hai chân, phải ngồi xe lăn. Sau khi được học nghề ở trung tâm, trở về huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình chị đã mở cửa hàng may mặc. Hiện chị là chủ cơ sở dệt may có hàng chục đến hàng trăm công nhân. Hay chị Nguyễn Thị Liên, bị liệt hai chân, hiện là chủ nhà hàng ăn uống ở tỉnh Hà Nam".

Dựa theo mô hình phục hồi chức năng tiên tiến trên thế giới và khả năng thực tế, Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An đang xây dựng đề án bổ sung chức năng nhiệm vụ để hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, giúp đỡ người khuyết tật phục hồi chức năng và hòa nhập cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa cho trẻ khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.