(HNM) - Từng ngồi chung mâm, ăn chung bát với những người nhiễm HIV, từng khóc cười cùng bao chuyện đời của gái mại dâm, con nghiện ma túy, hơn 15 năm, bà lặng lẽ với công việc của mình, giúp đỡ những mảnh đời lầm lỡ...
Hồi sinh "vùng đất chết"
Hơn 20 năm trước, khi còn đang công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Nội (xã Dục Tú, huyện Đông Anh), bà đã nổi tiếng khắp vùng vì độ "dị". Cứ chiều chiều, người ta lại thấy bà lang thang khắp bờ đê, bờ sông, "lục tung" các khu "xóm liều" để đón từng đứa trẻ mồ côi, lang thang về Trung tâm chăm sóc. Năm 1999, bà Phương được điều về giữ chức Giám đốc tại TTGDLĐXH số II. Tứ bề là đồi núi, hồi ấy, Trung tâm giống như một "lãnh địa" dành cho những người trót dính vào tệ nạn. Trung tâm có khoảng hơn 500 học viên nhưng thường xuyên thiếu vắng tiếng cười. Ngày qua ngày, những con người ấy sống, cặm cụi làm việc như những chiếc bóng. Vật vờ và lay lắt!
Rèn tác phong kỷ luật cho học viên tại trung tâm. |
"Cuộc sống ở đó chẳng khác mấy so với thời nguyên thủy. Chiều chiều, những người đàn bà lại dắt díu nhau ra vườn chuối "tắm tiên", nhiều người cũng chẳng buồn mặc quần áo, cứ trần như nhộng qua lại như chốn không người", bà Phương nhớ lại.
Thế rồi bỡ ngỡ cũng dần qua đi, bà Phương buộc phải bắt tay để "hồi sinh" chốn này. Muốn thay đổi nhận thức của học viên, trước tiên phải cải thiện đời sống vật chất cho họ. Nghĩ vậy, bà đem đơn đi khắp nơi để xin tài trợ kinh phí. Gặp người này bà than đôi tiếng, tìm người kia bà kể khổ vài câu, nhờ thế mà những dãy nhà ở, những khu nhà vệ sinh tươm tất dần được hoàn thành.
Diện tích Trung tâm lên tới 24ha nhưng nhìn quanh chỉ toàn thấy cỏ dại, lác đác dăm ba luống rau. Bà Phương cho học viên san đất để trồng các loại cây ăn quả, đồng thời đào ao thả cá, nuôi lợn, chăn gà. Từ 10 triệu đồng tiền lãi đầu tiên, đến nay họ đã có nguồn thu về hàng tỷ đồng từ mô hình VAC đó. Bà cũng liên kết với các trung tâm, doanh nghiệp để mở lớp dạy nghề, giúp học viên có "cần câu cơm" khi hòa nhập cộng đồng.
Cứ thế, đến nay, nơi đây đã lột xác với cơ sở hạ tầng hiện đại. Hàng nghìn mét vuông đất cằn cỗi, bạc màu dần được phủ bằng những đồi chè xanh mướt.
Lạt mềm buộc chặt
Nhìn vẻ ngoài mảnh mai, ít ai nghĩ bà Phương từng được tôi luyện trong cuộc sống quân đội. Quản lý hàng trăm con người với những hoàn cảnh đặc biệt, lúc cao điểm lên tới cả nghìn học viên, bà Phương buộc phải dùng đến kỷ luật thép. Từ trang phục, tác phong đến giờ giấc sinh hoạt của cán bộ, học viên đều được bà chấn chỉnh đến nơi đến chốn. Để mọi thứ đi vào quy củ đã khó nhưng để thu phục được "nhân tâm" còn khó hơn bội phần. Và bên cạnh kỷ luật thép, bà còn kiên nhẫn dùng cả biện pháp "lạt mềm buộc chặt".
Hồi mới đến nhận nhiệm vụ, bà Phương được phen ngơ ngác khi thấy chăn màn bị đem cắt vụn. Chạy vội xuống hỏi bà mới vỡ lẽ: "Đến tháng nhưng không có băng vệ sinh nên chị em...".
Lẳng lặng trở về phòng mà cổ họng nghẹn đắng, đêm ấy bà gần như thức trắng. Bẵng đi mấy ngày, một hôm cả Trung tâm nháo nhác khi thấy hàng nghìn gói băng vệ sinh chất đầy một chiếc xe tải đỗ trước cổng. Hóa ra, nhờ bà kiên trì "kêu than", một đồng nghiệp đã đồng ý tài trợ cho chị em những 10.000 gói. Đứng nhìn từ xa nhưng thấy học viên, mặt ai cũng hớn hở, bà không giấu nổi nụ cười hạnh phúc.
"Ngay hôm sau, cô Phương tuyên bố sẽ kỷ luật thật nặng những ai còn cố tình cắt xén chăn màn. Kể từ đó tình trạng này không còn tái diễn", chị Đào Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Quản lý giáo dục TTGDLĐXH số II nói.
Bận rộn đêm ngày nhưng bà Phương vẫn thường tranh thủ đọc từng lời nhắn của học viên gửi qua những hòm thư góp ý. Cũng nhờ vậy mà bà biết việc chia bè phái, nạn cướp vặt, xin đểu ở các phòng diễn ra như cơm bữa.
Đều là những đối tượng cá biệt nên sẽ rất khó để khiến những con người ấy "tâm phục, khẩu phục" nếu chỉ dùng đến kỷ luật. Biết vậy nên hằng tối, bà Phương vẫn thường lân la gõ cửa từng phòng, "xin gặp" từng người để hàn huyên, tâm sự. Từ chuyện gia đình, chuyện oán hận, ơn nghĩa đến những câu chuyện tào lao, không đầu chẳng cuối, bà đều sẵn sàng lắng nghe, kiên trì giúp học viên gỡ rối từng chút.
"Tôi thường kể về chuyện gia đình, về tình yêu thương, những thứ tốt đẹp của xã hội. Ban đầu không phải ai cũng chịu mở lòng ngay, có người im lặng, người tặc lưỡi: "Chuyện của tôi không cần chị quan tâm". Nhưng tôi sẵn sàng đợi. Tính thiện luôn hiện hữu trong mỗi người, chúng ta phải tìm cách đánh thức nó", bà tâm sự. Dần dần, bằng sự chân thành, bà Phương đã chinh phục được cả những đối tượng từng khét tiếng trong giới giang hồ. Riêng với những đối tượng dùng tình không xong, bà buộc phải áp dụng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
Hạnh phúc giản đơn
"Từng đoạn tường bao, những chiếc ghế đá đến mỗi gốc cây, ngọn cỏ nơi đây dường như đều mang dấu ấn của cô Phương. Đối với chúng tôi, cô như một người mẹ, người chị cả trong gia đình mà ai cũng yêu mến và nể phục", chị Huyền chia sẻ.
Bao năm công tác, bà Phương luôn gắng sức để xây dựng Trung tâm thành một đại gia đình, nơi mà giữa cán bộ với học viên, những người bệnh tật với những người khỏe mạnh không tồn tại khoảng cách. Chẳng thế mà, ở Trung tâm không ai ngạc nhiên khi thấy bà giám đốc thản nhiên ngồi chung mâm, ăn chung bát, thậm chí tự tay tắm rửa cho những đứa trẻ có HIV. Biết vậy, thỉnh thoảng bạn bè của bà vẫn hay trêu: "Dính" với HIV như thế mà không sợ chồng bỏ à?. Những lúc ấy, bà Phương chỉ cười trừ.
Điềm đạm, ít khi lớn tiếng nhưng hễ thấy ai tự ti, luôn coi mình là đồ bỏ đi, bà Phương lại mắng: "Dù trời có sập thì cũng đừng tự coi rẻ chính mình. Càng bị kỳ thị thì càng phải sống cho thật tốt". Khổ nỗi, mỗi lần đi họp, bắt gặp cái nhìn dò xét, cái bắt tay dè dặt, bà biết mình cũng đang bị kỳ thị bởi chính những người đồng nghiệp.
"Xã hội cần có cái nhìn cảm thông hơn với những người nhiễm HIV. Chính thái độ kỳ thị, xa lánh của cộng đồng đôi khi còn đáng sợ hơn căn bệnh này gấp vạn phần", bà tâm sự.
Năm 2013, bà Phương nghỉ hưu. Không đủ can đảm đến chào mọi người, ngày rời đi, bà chỉ dặn lại nhân viên: "Ai hỏi thì bảo tôi đi công tác". Bẵng đi một thời gian, vừa thấy bà trở lại thăm Trung tâm, học viên đã chạy ào đến trách: "Có phải cô coi chúng cháu là người dưng nên mới lẳng lặng đi như thế?".
Bao năm miệt mài với nghiệp công tác xã hội, có lẽ với người đàn bà ấy, hạnh phúc đơn giản chỉ cần có vậy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.