(HNM) - Năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh của từng nhóm đối tượng, từng gia đình. Sự trợ giúp kịp thời đến từ các cơ quan chức năng và cộng đồng tạo thành điểm tựa cho người nghèo vươn lên, vững tin vào tương lai không bị tụt lại phía sau.
Ước vọng ngày xuân
Trong không khí đón xuân rộn ràng, em Bùi Doãn Lộc (sinh năm 2009), thôn Kim Ngọc, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng bày tỏ: “Năm mới, cháu chúc cho sức khỏe của bố cháu dần hồi phục, có thể đi lại được; mẹ cháu luôn khỏe mạnh; còn bản thân cháu sẽ cố gắng học tập tốt hơn, chăm ngoan hơn để xứng đáng với sự quan tâm của thầy cô, bạn bè và những người xung quanh”.
Lắng nghe con trai út chia sẻ những mong ước chín chắn hơn độ tuổi, chị Nguyễn Thị Kim Loan - mẹ em Bùi Doãn Lộc không giấu được sự xúc động. Chồng chị Loan không may bị tai nạn, phải nằm một chỗ từ năm 2013 đến nay; các con lại đang độ tuổi đi học, nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự động viên, trợ giúp từ các cơ quan chức năng và các nhà hảo tâm, các con của chị đều được đến trường. “Có điểm tựa để vươn lên, tôi tin gia đình mình sẽ thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn trong tương lai gần”, chị Nguyễn Thị Kim Loan chia sẻ.
Năm qua, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cuộc sống của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái (huyện Ba Vì) đã được cải thiện đáng kể. Bà Hoa cho biết: “Tôi sẽ chăm sóc con bò sinh sản vừa được trao tặng, sẽ chuyển đổi cây trồng, tiếp tục động viên, khuyến khích các con nỗ lực học tập. Đó là cách tốt nhất đáp lại sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng; cũng là giải pháp khả thi để giảm nghèo bền vững”.
Đón xuân trong ngôi nhà mới, ông Chu Viết Hà, tổ dân phố 5, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, bản thân tôi sức khỏe không tốt nên không có khả năng xây dựng ngôi nhà mới, thay thế cho ngôi nhà cũ đã xuống cấp. Năm 2019, được các cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí, gia đình tôi đã có nhà mới khang trang, sạch đẹp. Gia đình tôi rất phấn khởi, cùng động viên nhau làm việc chăm chỉ để thoát nghèo”.
Ngoài những trường hợp nêu trên, năm qua có gần 13.000 trẻ khuyết tật, mồ côi, học sinh nghèo vượt khó; hơn 190.000 người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; gần 9.000 hộ nghèo còn lại trên địa bàn thành phố Hà Nội đều được quan tâm, trợ giúp kịp thời về nhiều mặt, góp phần tạo động lực cho họ vươn lên.
Tiếp tục đồng hành với người nghèo
Bằng việc thực hiện những chính sách nhân văn, đến cuối năm 2019, thành phố Hà Nội giảm còn 0,42% hộ nghèo. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể bằng lòng với những gì đã đạt được, vì ở một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho hay, hiện toàn huyện còn 1.058 hộ nghèo, bằng 1,43% tổng số hộ dân, nhưng chủ yếu là các hộ khó có khả năng tự thoát nghèo. Đáng lo hơn, một bộ phận không nhỏ trong tổng số gần 5.000 hộ cận nghèo (bằng 6,7% tổng số hộ dân của huyện) có nguy cơ bị tái nghèo.
Không riêng huyện Ba Vì, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương tập trung đông người dân làm nông nghiệp như huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Ứng Hòa... vẫn còn hơn 1% tổng số hộ dân, cao hơn nhiều so với mức trung bình 0,42% của thành phố vào thời điểm đầu năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm nay, ông Đặng Đình Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sóc Sơn mong muốn các cơ quan chức năng và cộng đồng tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm, hỗ trợ cho người nghèo về sinh kế, tư liệu sản xuất, học nghề… Còn bà Nguyễn Thị Mai, thôn Bái Xuyên, xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) hy vọng các nhà hảo tâm tiếp tục tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học tốt.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Vũ Đại Phong, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho rằng, việc giảm nghèo sẽ đạt kết quả khả quan nếu người nghèo nhận được sự hỗ trợ phù hợp với nhu cầu, khả năng của họ. Ông Phong dẫn chứng, cuối năm 2018, quận Hai Bà Trưng tiến hành rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, qua đó lập danh sách có 180 hộ cần được trợ giúp để thoát nghèo bền vững. Căn cứ vào kết quả khảo sát, quận huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ công cụ, phương tiện cho 22 hộ; hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 16 hộ; hỗ trợ về vốn và các vật phẩm khác cho 79 hộ. Đối với những trường hợp đặc biệt, quận hỗ trợ tiền sinh hoạt hoặc hỗ trợ gạo hằng tháng. Nhờ sự trợ giúp kịp thời, đúng đối tượng, năm 2019, quận là địa phương đầu tiên của thành phố không còn cả hộ nghèo và cận nghèo.
Về vấn đề này, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, năm 2020, các ngành, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành với người nghèo thông qua việc triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Trong đó, nhóm giải pháp được thành phố ưu tiên triển khai là đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động; trợ giúp thường xuyên và đột xuất cho các đối tượng yếu thế... Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương chủ động huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người nghèo về nhà ở, tư liệu sản xuất, nguồn sinh kế, chi phí học tập, chăm sóc sức khỏe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.