Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm tốt nghiệp thấp, điểm xét tuyển tăng?

Khánh Vũ| 21/07/2015 07:17

(HNM) - Từ ngày 20-7, các cụm thi đã hoàn thành công tác chấm thi. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, điểm thi chưa được công bố và toàn bộ dữ liệu phải được gửi về Bộ để quản trị tập trung. Các trường đã có những đánh giá sơ bộ về tình hình điểm thi năm nay cũng như những lưu ý chuẩn bị cho

Môn toán nhiều điểm liệt nhất

Sau khi các hội đồng thi chuyển toàn bộ dữ liệu điểm về Bộ để tổng hợp và xử lý, Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi của tất cả các cụm thống nhất trong cùng thời điểm. Theo hướng dẫn của Bộ, thí sinh có thể xem kết quả bằng cách đăng nhập vào phần mềm quản lý thi qua mạng tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn bằng tài khoản và mật khẩu được cấp khi đã nộp phiếu đăng ký dự thi. Tài khoản này cũng được sử dụng để xem kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Khi truy cập, thí sinh cần nhập số chứng minh nhân dân và mật khẩu kèm mã xác nhận để tra cứu dữ liệu. Trong trường hợp quên tài khoản và mật khẩu, thí sinh có thể xin cấp lại bằng cách liên hệ với nơi nộp phiếu đăng ký dự thi hoặc sử dụng chức năng gửi mật khẩu về thư điện tử ghi trong phiếu đăng ký tới hệ thống.

Kỳ thi năm nay, số điểm liệt nhiều nhất nằm ở môn toán. Ảnh: Nhật Nam


Thông tin sơ bộ từ các cụm thi cho thấy, năm nay, số điểm liệt nhiều nhất nằm ở môn toán. Tại cụm thi Trường ĐH Bách khoa, mặc dù số bài thi môn toán được điểm 5 trở lên khá lớn, trên 75%, song số bài bị điểm liệt cũng không phải là ít, khoảng 200 bài, chiếm tỉ lệ 1,5%. Đó cũng là tình hình chung ở nhiều điểm thi phía Bắc khác như Bắc Giang, Phú Thọ với hàng trăm điểm toán dưới 1. Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay sẽ thấp hơn so với năm ngoái bởi toán là 1 trong 3 môn bắt buộc được tính để xét tốt nghiệp. Thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp đồng nghĩa với việc không được xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Trước ý kiến cho rằng mặt bằng điểm thi năm nay thấp hơn mọi năm, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải: Điểm thi của thí sinh chỉ mang tính chất tương đối bởi phụ thuộc vào độ khó - dễ của đề thi. Theo cấu trúc của đề thi thì 60% là kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao. Với đề năm nay, nếu thí sinh làm được 60% kiến thức cơ bản thì cũng tương đương 100% của đề thi tốt nghiệp năm trước, bởi, đề thi tốt nghiệp THPT trước đây đa phần là kiến thức cơ bản, chỉ có kỳ thi ĐH là có kiến thức nâng cao để phân loại. Như vậy, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kết quả phổ điểm của học sinh năm nay sẽ cao hơn so với kỳ thi ĐH năm 2014.

Lưu ý để có khả năng trúng tuyển cao

Sau khi duyệt kết quả thi và gửi dữ liệu thi về Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thi chỉ đạo Ban Thư ký Hội đồng thi in Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh có đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ (theo mẫu thống nhất do Bộ GD-ĐT quy định), ký tên, đóng dấu và gửi cho các sở GD-ĐT nơi thí sinh đăng ký dự thi. Sau khi nhận kết quả thi, nếu thí sinh có nhu cầu phúc khảo thì có thể nộp đơn trong vòng 10 ngày kể từ khi công bố kết quả thi. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, thí sinh sẽ nhận được kết quả. Đơn phúc khảo cùng lệ phí có thể được nộp tại trường mà thí sinh theo học, Sở GD-ĐT hoặc tại cụm thi mà thí sinh vừa thi xong. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, dù nộp ở đơn vị nào trong số nêu trên thì đơn của thí sinh cũng được chuyển về cụm thi để Hội đồng chấm phúc khảo.

Năm nay, các trường ĐH, CĐ sẽ có 5 đợt xét tuyển nguyện vọng, gồm xét tuyển nguyện vọng một và 4 đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Nhiều trường tin rằng năm nay, như mọi năm Bộ GD-ĐT sẽ vẫn đưa ra ngưỡng điểm tối thiểu bảo đảm chất lượng. Dựa vào đó, các trường sẽ xác định điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo ngành và lấy thí sinh từ điểm cao xuống đến hết chỉ tiêu. Thông thường, ngưỡng tối thiểu sẽ ở mức bảo đảm có nguồn thí sinh dôi dư so với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Trước mỗi đợt xét tuyển, các trường ĐH, CĐ phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử về chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành đối với đợt xét tuyển đó, tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành. Căn cứ mức điểm đạt được và ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường, thí sinh cân nhắc để chọn trường phù hợp. Các chuyên gia lưu ý thí sinh nên nộp hồ sơ vào trường có mức điểm nhận xét tuyển thấp hơn so với mức điểm thí sinh đạt được, như vậy khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thí sinh nên hết sức bình tĩnh và cân nhắc kỹ việc lựa chọn trường để giảm tình huống phức tạp không cần thiết. Nói vậy là bởi nếu thí sinh quyết định thay đổi nguyện vọng thì chính họ hoặc người nhà phải đến rút hồ sơ thì mới có thể lấy được giấy báo kết quả để nộp vào trường khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm tốt nghiệp thấp, điểm xét tuyển tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.